Sáng 21/6, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo luật này bằng hình thức biểu quyết điện tử.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy có 457 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,84 %). Như vậy, với đa số đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi).
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết về lưu trữ tài liệu điện tử, có ý kiến đề nghị tích hợp tài liệu điện tử và vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Theo đó những tài liệu phục vụ cho hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước thì cần mở rộng quyền tiếp cận đến tất cả cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến trên của đại biểu Quốc hội và nhận thấy thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu đồng thời cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều tài liệu liên quan đến quy trình giải quyết thủ tục hành chính, bao gồm các tài liệu thuộc lưu trữ hiện hành cũng đã được đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức và mọi người đều có thể tiếp cận.
“Điều 42 của dự thảo luật đã quy định lưu trữ lịch sử, cơ quan, tổ chức quản lý tài liệu lưu trữ có trách nhiệm công khai danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi thực hiện quyền tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Vì vậy đã đáp ứng yêu cầu như đề nghị của đại biểu Quốc hội,” Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nói.
Về hoạt động dịch vụ lưu trữ, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc không quy định các hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, vì các hoạt động này không ảnh hưởng đến lợi ích của cộng đồng.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động dịch vụ lưu trữ là hoạt động mang tính chuyên môn, nghiệp vụ chuyên sâu, liên quan đến tài liệu lưu trữ có giá trị bảo quản vĩnh viễn là tư liệu lịch sử của quốc gia, chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân (trong đó có những thông tin mà việc tiếp cận có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội) nên cần có sự quản lý chặt chẽ.
“Đây cũng không phải là quy định mới mà kế thừa Luật Lưu trữ năm 2011 quy định tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ lưu trữ phải đáp ứng các điều kiện nhất định, thực chất là điều kiện đầu tư kinh doanh. Do đó, việc quy định hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là phù hợp,” Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng thông tin.
QH sẽ biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi), Nghị quyết giám sát chuyên đề
Trong ngày hôm nay, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025; biểu quyết thông qua Luật Lưu trữ (sửa đổi)...
Ngoài ra, Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cho biết có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu không quy định tiêu chí tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt tại dự thảo luật mà giao quy định trong văn bản dưới luật để có thể linh hoạt điều chỉnh trong trường hợp cần thiết.
Về nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông tin Luật Lưu trữ năm 2011 đã quy định tiêu chí đối với tài liệu lưu trữ quý, hiếm. Các tiêu chí để xác định tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt quy định tại dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện quy định về tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Luật Lưu trữ năm 2011. “Vì vậy, xin phép Quốc hội cho giữ quy định này để bảo đảm tính cụ thể của Luật, hạn chế ban hành văn bản quy định chi tiết,” Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng cũng cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, thống nhất với Luật Giao dịch điện tử, Luật Di sản văn hóa và các luật khác có liên quan như đã báo cáo cụ thể tại các mục nêu trên.
Ngoài các nội dung nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Chính phủ tại Văn bản số 236/CP-PL ngày 16/5/2024 để chỉnh lý quy định tại điểm c khoản 3 Điều 59 của dự thảo Luật về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao trong việc lập danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ vĩnh viễn thuộc phạm vi quản lý, trừ tài liệu chứa bí mật nhà nước và hằng năm cập nhật, gửi Bộ Nội vụ./.