Sáng 5/9, tại thành phố Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena đồng chủ trì Tọa đàm chuyên đề “Vai trò của Quốc hội trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế-xã hội."
Qua đó, Quốc hội hai nước cùng chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong xây dựng, triển khai chính sách phát triển kinh tế-xã hội, tiếp nối các hoạt động thành công trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội đã được ký kết vào tháng 5/2022.
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, đại biểu Quốc hội hai nước cùng trao đổi kinh nghiệm thực tiễn tại mỗi quốc gia, tích cực thảo luận để làm rõ, sáng tỏ hơn những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm.
Thông tin và các bài học kinh nghiệm từ tọa đàm sẽ là hữu ích, thiết thực cho mỗi quốc gia trong xây dựng hoặc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Nhân dân Việt Nam tự hào có người bạn láng giềng gần gũi thân thiết, đó là nhân dân Lào anh em.
Quốc hội Việt Nam tự hào có những người đồng chí thủy chung, trong sáng, luôn đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, kề vai, sát cánh bên nhau trong quá khứ đấu tranh gian khổ và trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay.
Ông Nguyễn Đức Hải khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Quốc hội Lào, tiếp tục kế thừa, phát huy kinh nghiệm, kết quả hợp tác, tích cực góp phần củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị đoàn kết đặc biệt, gắn bó tin cậy, hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Lào, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena chúc mừng 79 năm Quốc khánh Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024). Ông cho biết chuyến thăm và làm việc lần này của đoàn là trao đổi kinh nghiệm với Quốc hội Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài; chính sách về tín dụng xã hội; đặc biệt phát triển hợp tác xã, xây dựng Luật Hợp tác xã.
Ông Sommad Pholsena cũng đề nghị các đại biểu đi sâu vào thảo luận về vai trò của Quốc hội trong chấn chỉnh kết quả kiểm toán, đặc biệt là cơ chế, phương pháp, biện pháp kiểm toán; giám sát thực hiện kế hoạch ngân sách Nhà nước; vai trò của Quốc hội trong xác nhận, thẩm tra các dự án đầu tư Nhà nước; phân công quản lý giữa Trung ương và địa phương trong hoạt động nhượng quyền liên quan đến đất đai, khoáng sản; chính sách thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, đặc khu kinh tế và một số vấn đề khác…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Việt Nam Nguyễn Đình Việt thông tin trải qua 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã đạt được những thành tự to lớn, đóng góp tích cực cho quá trình phát triển của đất nước.
Giai đoạn 1988-1990, Việt Nam thu hút được 211 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký khiêm tốn hơn 1,6 tỷ USD. Sau 35 năm, lũy kế đến cuối năm 2023 có 39.151 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký trên 470 tỷ USD. Có thể nói, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Thị Thu Vân chia sẻ đến hết tháng 6/2024, cả nước có 32.688 hợp tác xã, trong đó có 21.991 hợp tác xã nông nghiệp. Tổng nguồn vốn hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp đạt 14.969 tỷ đồng; thu nhập bình quân của thành viên và người lao động đạt 4,2 triệu đồng/người/tháng.
Bà đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đồng thời, cần ban hành chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho các hợp tác xã đầu tư vào công nghệ xanh, sạch và thân thiện với môi trường; xây dựng cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các hợp tác xã nông nghiệp áp dụng mô hình sản xuất gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Tọa đàm gồm 2 phiên: "Phát triển kinh tế tập thể và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài" và "Vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030."
Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ nước ta trình bày tham luận và trao đổi thông tin với các đại biểu của Quốc hội Lào.../.
Quốc hội Việt Nam và Lào thường xuyên phối hợp để tạo đột phá trên mọi lĩnh vực
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, cùng với đà phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào không ngừng được mở rộng và đi vào thực chất.