Vietnam+ xin giới thiệu bài viết của một nhà báo hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, với những góc nhìn và quan điểm của riêng tác giả về sự kiện này.
Cuồng ngôn hay diễn ngôn kém cỏi?
"Nó biểu hiện cho sự bế tắc, lười biếng chộp giật của tầng lớp nghệ sĩ và sự đứt gãy xa cách giữa các thế hệ" – Đó là câu trả lời của nhạc sỹ Quốc Trung dành cho câu hỏi đại ý 'sự tồn tại bền bỉ của nhạc xưa, nhạc sến trong lòng công chúng có lợi hay có hại cho những dòng nhạc khác?'
Còn khi được hỏi ''Theo anh, sự đón nhận nhiệt tình của khán giả với những dòng nhạc xưa, sến có bị coi là lệch lạc so với sự phát triển của âm nhạc?,” nhạc sỹ Quốc Trung đã nói: "Tiếc rằng ít có người đủ kiên nhẫn, bản lĩnh để làm được việc đó. Với quan niệm của tôi thì đó là sự lệch lạc đáng xem xét," và "Những thanh niên, trí thức trẻ tuổi thông thạo công nghệ, sành điệu hoặc sở hữu những bộ dàn Hi-End đắt tiền nhưng lại đắm đuối với những ca khúc uỷ mị, sướt mướt có cách đây gần 100 năm thì có gọi là bình thường hay không? Họ còn nhầm lẫn và cho đó là đẳng cấp của văn hoá hay sự sành điệu trong thưởng thức nghệ thuật. Sự chênh lêch giữa tốc độ sống và cảm xúc nghệ thuật chính là sự lệch lạc."
Chúng ta có thể hiểu những câu trả lời trên theo cách nào?
Theo tôi, là một người từng tiếp xúc không nhiều nhưng cũng chẳng ít với nhạc sỹ Quốc Trung, và cũng đã có lần nói chuyện về thị trường âm nhạc Việt Nam với anh cách đây vài năm, có thể ý của nhạc sỹ là sự không bình thường nằm ở chỗ thị trường nhạc nhẹ Việt Nam hiện nay quá thiếu các sáng tạo mới đủ sức đi vào lòng công chúng, khiến cho các ca sũ đủ tự tin để thể hiện nó nên vì thế họ phải đào bới những sáng tác đã ra đời cách đây nhiều thập niên.
Nếu đúng ý của nhạc sĩ Quốc Trung là thế thì với cách diễn ngôn như kể trên, mấy ai hiểu được cái sự “bất bình thường” mà nhạc sỹ đưa ra? Và một khi, là người phát ngôn ra điều gì đó có ảnh hưởng đến công chúng, ta diễn ngôn không đạt ý, nói thẳng ra là kém cỏi, phát ngôn của ta có thể tạo ra những tranh cãi rất lớn trong dư luận.
Tuy nhiên, dẹp những tranh cãi sang một bên và hiểu theo đúng ý mà nhạc sỹ Quốc Trung muốn gửi gắm, câu hỏi lớn đặt ra là sự “bất bình thường” kia thuộc trách nhiệm đầu tiên của ai?
Xin thưa, trách nhiệm của các nhạc sỹ, nhà sản xuất âm nhạc đầu tiên. Một trong số họ, người có tuổi nhất của thế hệ tạm gọi là còn trẻ chính là nhạc sĩ Quốc Trung. Thú thực, chính việc họ lười lao động, thiếu sáng tạo mới đã tạo ra sự “bất bình thường” chứ không phải các ca sỹ, những người mà nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng 'chụp giật' hay 'biếng lười'.
Ca sỹ Việt Nam thực sự không biếng lười mà họ chỉ bế tắc vì các nhạc sỹ không có tác phẩm mới nào ra hồn cho họ hát. Thử hỏi, nếu nhạc sĩ Quốc Trung viết 1 bài hát mà anh thích và những ca sỹ cảm nhận nó có thể thành “hit,” tức trở thành một sản phẩm văn hoá ăn khách giúp họ đảm bảo doanh thu trình diễn, họ có lao đến anh mà 'chộp' lấy ca khúc ấy, thậm chí 'giật' từ tay đối thủ cạnh tranh khác hay không?
Như vậy, dù là ý đồ của nhạc sĩ Quốc Trung hoàn toàn hướng tới tính chất xây dựng cho nền âm nhạc Việt Nam đi nữa, thì anh cũng mâu thuẫn với chính bản thân anh, một người không đưa được ra sản phẩm mới có giá trị đủ tầm để được đặt bên cạnh những sản phẩm xưa cũ đã được khẳng định giá trị nhờ vào độ bền thời gian.
Ngược lại, nếu không phải do sự kém cỏi trong diễn ngôn, rõ ràng nhạc sĩ Quốc Trung đã 'ném đá' những người nghe nhạc xưa bằng những viên đá rất nặng, thậm chí là quá tay, khi dùng những ngôn từ như 'lệch lạc'; 'đẳng cấp văn hoá'...
Và chuyện không nhỏ nữa
Trong giới âm nhạc hiện nay thực sự đang tồn tại một nghi vấn về nhóm lợi ích mà người hoạt động mạnh mẽ nhất trong nhóm đó chính là nhạc sỹ Quốc Trung. Không biết nhóm lợi ích này có thật hay không hay những nghi vấn kia chỉ là cảm giác tưởng tượng của những người trong nghề nhưng chúng ta không thể không để tâm tới những râm ran như thế.
Các hoạt động của nhạc sỹ Quốc Trung gần đây khá mạnh mẽ nhưng hoàn toàn nằm ngoài lãnh địa sáng tạo mà điển hình như “Nghe có ý thức”; góp phần tạo diễn đàn tranh luận về nhạc xưa, làm giám khảo các chương trình truyền hình thực tế... lại càng củng cố hơn ngờ vực của những người đưa ra thuyết âm mưu này.
Nhiều người cho rằng, nhạc sĩ Quốc Trung đã có 'thế' ở thị trường giải trí và anh muốn củng cố quyền lực ấy của mình hơn thông qua các phát ngôn đao to búa lớn. Tất nhiên, đó chỉ là những ngờ vực dừng ở mức độ bàn luận trà dư tửu hậu nhưng nó chính là một chuyện không nhỏ nữa sau những ồn ào vừa rồi khi đánh động thực sự về mối quan hệ đồng nghiệp trong làng giải trí.
Nhạc xưa, nhạc sến, nhạc vàng thực chất gắn liền với hơi thở văn hoá-xã hội của miền Nam và có thể coi nó là một đặc sản của miền. Việc loại nhạc ấy bị “quên lãng” trong một thời gian dài đã khiến một bộ phận không nhỏ nhầm lẫn đến mặc cảm khi cho nó là 'thấp kém', 'tàn dư'...
Thế nên, những phát biểu cho rằng việc còn thưởng thức chúng là lệch lạc đã dẫn đến sự nổi giận của không ít thính giả nhạc xưa, đặc biệt khi nhạc sĩ Quốc Trung mang khái niệm 'trí thức' và 'trẻ' vào phát ngôn của mình. Không có gì là lạ nếu một người trẻ thích xem phim xưa, nghe nhạc xưa, đọc sách xưa. Cái lạ đáng nói chỉ là một người trẻ không còn xem, nghe, đọc nữa mới là phải.
Và điều không nhỏ thứ hai đã xảy ra khi câu chuyện âm nhạc này bỗng nhiên bị đẩy lên thành đụng độ văn hoá và xung đột vùng miền...
Sau phát biểu của nhạc sĩ Quốc Trung, đã có những bài viết của giới văn nghệ Sài gòn như Tuấn Khanh, bài trả lời phỏng vấn của Quốc Bảo, những bài viết của nhiều văn sỹ, nhà thơ, hoạ sỹ, nhà báo... phản bác lại. Đó chính là một điều không nhỏ thứ ba.
Đời sống văn nghệ rất cần tranh luận nhưng xem ra những tranh luận này đã ở mức độ 'da cam' khi rất dễ dẫn đến mâu thuẫn giữa con người đồng nghiệp với nhau nếu như sự đáp trả (sắp tới và nếu có) từ nhạc sĩ Quốc Trung không đủ sự tế nhị.
Nếu 'say men chiến thắng', nhạc sĩ Quốc Trung rất có thể sẽ trở thành đối tượng bị tẩy chay đối với một bộ phận không nhỏ trong đời sống văn nghệ Sài Gòn.
Mấy lời riêng
Riêng với nhạc sĩ Quốc Trung, tôi còn nhớ mình đã háo hức đi mua đĩa Đường Xa Vạn Dặm của anh như thế nào và vẫn thường hay nhắc nhớ anh về dự án bỏ dở mang tên “Thiện Thanh” của anh, một dự án tôi cũng rất thích. Tuy nhiên, dù là một người ngoài cuộc (tôi chưa bao giờ tự cho mình là nhạc sỹ) và là một người hậu bối, tôi mạo muội khuyên anh thế này:
- Anh có nói một câu rất hay, đại ý là truyền thông đang dắt mũi khán giả hôm nay và tôi đặt câu hỏi là "Ai đã để cho họ xỏ mũi nếu không phải là chính chúng ta?" Giá như anh Quốc Trung biết từ chối, không trả lời phỏng vấn, không đao to búa lớn, không diễn ngôn vòng vèo để độc giả hiểu lầm, đã không có những chuyện tranh cãi như hôm nay.
- Và giá như anh Quốc Trung biết từ chối cả những show giám khảo đầy chất kịch để đầu tư thời gian đó sản xuất, sáng tác ngõ hầu đưa ra sản phẩm đối chứng để khán giả hiểu hơn về thẩm mỹ âm nhạc của riêng anh thì hay biết bao.
- Ở cương vị của một trong những người thẩm định Bài hát Việt, anh Quốc Trung và ban thẩm định đã chấp nhận sự đa dạng ở môi trường đó thay vì chú tâm vào những hạng mục ca khúc 'độc đáo, mới lạ' hay chưa? Các anh có sẵn sàng mở lòng với những sáng tác mới dù mang hơi hướm cũ, dù không có đột phá về học thuật nhưng có thể tạo được hiệu ứng công chúng hơn hay không?
Làm được mấy lời mạo muội khuyên riêng của tôi, nhạc sỹ Quốc Trung sẽ giúp được nhạc Việt nhiều hơn là chỉ phát biểu đơn thuần bằng những đánh động dễ gây hiểu lầm như vừa rồi./.