Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, sáng 24/10, Quốc hội nghe giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức trước khi tiến hành thảo luận tại hội trường.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.
Chính sách đối với người có tài năng nhận được nhiều sự quan tâm
Chính sách đối với người có tài năng; hình thức kỷ luật giáng chức và xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có vi phạm; cán bộ, công chức cấp xã, thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới... là những nội dung thu hút sự quan tâm thảo luận trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức phiên làm việc sáng 24/10.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết về chính sách đối với người có tài năng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy người có tài năng nói chung là một khái niệm rất rộng, tương ứng với mỗi ngành, lĩnh vực thì các tiêu chí và yêu cầu riêng. Vì vậy, việc xây dựng một khái niệm chung về người có tài năng trong Luật này là khó khả thi.
Trong phạm vi của Luật Cán bộ, công chức, xin Quốc hội cho bổ sung khái niệm "người có tài năng trong hoạt động công vụ" và quy định về chính sách trọng dụng, đãi ngộ, cơ quan có thẩm quyền quy định về khung chính sách, quyết định áp dụng chế độ, trọng dụng đãi ngộ người có tài năng trong hoạt động công vụ để bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn.
Về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu là một chủ trương lớn cần phải nghiên cứu thận trọng, có quy định hợp lý bảo đảm tính khả thi và thống nhất trong quá trình thực hiện.
Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất quy định trong Luật nguyên tắc chung trong xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; quy định cụ thể về hình thức xử lý kỷ luật gồm khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm, đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể trình tự, thủ tục, hệ quả của hình thức xử lý kỷ luật bảo đảm tính khả thi, linh hoạt trong quá trình triển khai thực hiện.
[Đại biểu Quốc hội nói về tình trạng 'loạn chứng chỉ' đối với công chức]
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật cũng đã bổ sung nguyên tắc gắn hình thức xử lý kỷ luật với hệ quả pháp lý tương ứng để làm cơ sở cho Chính phủ quy định chi tiết. Theo đó đối với từng hình thức xử lý kỷ luật "cảnh cáo," "khiển trách," "xóa tư cách" thì cán bộ, công chức còn phải chịu hệ quả kèm theo (ví dụ như cắt một số quyền lợi về vật chất mà người đó được hưởng).
Về quy định chuyển tiếp, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để làm rõ việc áp dụng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước thời điểm Luật có hiệu lực, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, phù hợp với thực tiễn và tương thích với quy định về xử lý kỷ luật đảng viên, trong dự thảo Luật đã bổ sung Điều 3 về điều khoản chuyển tiếp trong đó quy định: việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thực hiện theo quy định của Luật này.
Cán bộ, công chức, viên chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu có hành vi vi phạm trong thời gian công tác trước thời điểm 1/7/2020 vẫn có thể bị xử lý theo quy định của Luật này nếu còn thời hiệu.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu rõ để có cơ sở cho việc tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận các vấn đề sau tại Phiên thảo luận: chính sách đối với người có tài năng; phương thức tuyển dụng công chức; kiểm định chất lượng đầu vào công chức; xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu và các nội dung khác mà đại biểu quan tâm.
Cho ý kiến về 2 dự án đầu tư
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, chiều 24/10, Quốc hội nghe các báo cáo và thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn đầu tư với mục tiêu khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm với tiến độ chậm nhất đưa vào khai thác trong năm 2025.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (AVC) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1, gồm công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, công trình thiết yếu của cảng hàng không... với tổng mức đầu tư 4,8 tỷ USD (khoảng 111.000 tỷ đồng). Còn các công trình phục vụ quản lý bay được đề nghị giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội điều chỉnh diện tích đất xây sân bay giai đoạn 1 thêm 645ha (từ 1.165ha lên 1.810ha); điều chỉnh 1.050ha đất quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung quốc phòng và dân dụng. Bên cạnh đó, bổ sung hai tuyến đường bộ vào dự án Sân bay Long Thành.
Cũng trong chương trình làm việc chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư dự án này.
Theo Tờ trình của Chính phủ, công trình sẽ có tính quyết định trong việc cấp nước không chỉ cho huyện Hàm Thuận Nam mà còn đối với việc cấp nước sản xuất và sinh hoạt cho thành phố Phan Thiết và vùng nam Bình Thuận để phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh biến đổi khí hậu rất phức tạp.
Tuy vậy, do dự án có sử dụng 162,55ha rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông nên căn cứ quy định của Luật Lâm nghiệp, dự án hồ chứa nước Ka Pet thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích sử dụng khác.
Thẩm tra dự án này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí cho rằng, dự án đủ điều kiện cần thiết trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8 này./.