Quy định về phân cấp và lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 24/2020/TT-BCT quy định về phân cấp và lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí gồm 5 chương và có hiệu lực thi hành từ ngày 6/11/2020.
Quy định về phân cấp và lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí ảnh 1Giàn công nghệ trung tâm mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư số 24/2020/TT-BCT quy định về phân cấp và lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí.

Thông tư bao gồm 5 chương và có hiệu lực thi hành từ ngày 6/11/2020.

Theo đó, thông tư nêu cụ thể đối tượng áp dụng là người điều hành hoặc tổ chức, cá nhân thực hiện việc lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí khi có các hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí trong phạm vi lãnh thổ đất liền, nội thủy, đảo và quần đảo, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia Việt Nam, được xác định theo pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Các cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan về việc phân cấp và lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí trong các hoạt động dầu khí.

Thông tư nêu rõ việc phân cấp tài nguyên, trữ lượng dầu khí được thực hiện trên cơ sở kết hợp đánh giá mức độ tin cậy về các thông tin địa chất, địa vật lý, tính khả thi về kỹ thuật công nghệ và mức độ hiệu quả về kinh tế tại thời điểm lập báo cáo.

Nhiệm vụ phân cấp tài nguyên, trữ lượng dầu khí tài nguyên dầu khí được phân thành hai nhóm là tài nguyên dầu khí đã phát hiện bằng giếng khoan và tài nguyên dầu khí chưa phát hiện.

Đối với tài nguyên dầu khí đã phát hiện tùy thuộc vào tính khả thi về kỹ thuật, công nghệ và mức độ hiệu quả về kinh tế theo quan điểm đánh giá của người điều hành tại thời điểm lập báo cáo, tài nguyên dầu khí đã phát hiện được phân chia thành nhóm phát triển và nhóm chưa phát triển.

[Duy trì ổn định các hoạt động sản xuất, thăm dò, khai thác dầu khí]

Tài nguyên dầu khí chưa phát hiện bao gồm tài nguyên dầu khí chưa phát hiện dự tính (RI) và tài nguyên dầu khí chưa phát hiện lý thuyết (R2).

Tài nguyên dầu khí chưa phát hiện dự tính (RI) là lượng dầu khí ước tính được ở thời điểm nhất định cho các đối tượng triển vọng đã được lập bản đồ nhưng chưa xác định được sự tồn tại của dầu khí bằng kết quả khoan hoặc các vỉa chứa thuộc các tầng sản phẩm của các mỏ đang khai thác với các điều kiện địa chất được coi là thuận lợi cho tích tụ dầu khí nhưng chưa khoan tới.

Đáng lưu ý, tài nguyên dầu khí chưa phát hiện lý thuyết (R2) là lượng dầu khí ước tính được ở thời điểm nhất định đối với các tích tụ dầu khí dự kiến có thể tồn tại theo lý thuyết trong một tập hợp triển vọng với điều kiện thuận lợi về quy luật địa chất cho dầu khí tích tụ nhưng chưa được lập bản đồ.

Liên quan đến ranh giới phân cấp tài nguyên, trữ lượng dầu khí được xác định đối với từng thân chứa dầu khí theo nguyên tắc ngoại suy phù hợp với địa chất cụ thể. Do vậy, việc xác định ranh giới phân cấp và phân bố của các thân chứa dầu khí được xác định trên cơ sở các tài liệu và căn cứ cụ thể.

Trường hợp áp dụng các phương pháp tương tự, người điều hành phải có các số liệu có nguồn gốc và lý giải khả năng sử dụng các số liệu đó cho mỏ hoặc thân chứa cần tính toán để khẳng định sự đúng đắn của việc lựa chọn phương pháp và các thông số tính toán.

Thông tư cũng quy định phương pháp đánh giá tài nguyên, trữ lượng dầu khí, đối tượng đánh giá tài nguyên, trữ lượng dầu khí là các thân, vỉa chứa dầu khí.

Ngoài ra, các trường hợp cập nhật tài nguyên, trữ lượng dầu khí, kết quả tính toán phải được so sánh với các kết quả trước đây và phân tích các nguyên nhân thay đổi. Đặc biệt, các thông số tính toán tài nguyên, trữ lượng dầu khí phải theo một hệ đơn vị thống nhất.

Các con số tài nguyên, trữ lượng dầu khi phải được trình bày bằng hệ đơn vị đo quốc tế theo quy định của Luật Đo lường và tham khảo thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Quy định về phân cấp và lập báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí ảnh 2Công nhân trên các giàn khoan dầu khí. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việc lập phê duyệt, đăng ký và cập nhật báo cáo tài nguyên, trữ lượng dầu khí, đối với nhóm phát triển, người điều hành lập, cập nhật báo cáo để trình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thông qua trình Bộ Công Thương và Hội đồng thẩm định thực hiện thẩm định Báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Với nhóm chưa phát triển và tài nguyên dầu khí chưa phát hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, ghi nhận, đánh giá và định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Công Thương để phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên và xây dựng chiến lược, kế hoạch tìm kiếm thăm dò, thấm lượng trong tương lai.

Thủ tục trình, thẩm định và phê duyệt Báo cáo Thủ tục trình, thẩm định và phê duyệt Báo cáo tuân thủ theo quy định tại Điều 64 Nghị định số 95/2015/NĐ-CP ngày 16/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí.

Đối với báo cáo của các mỏ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp tài nguyên, trữ lượng dầu khí và cập nhật đăng ký hàng năm.

Ngoài ra, với tài nguyên dầu khí đã phát hiện thuộc nhóm chưa phát triển và tài nguyên dầu khí chưa phát hiện, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có trách nhiệm thống kê, cập nhật và ghi nhận nhằm mục đích phục vụ công tác quản lý và định hướng công tác tìm kiếm thăm dò trong tương lai.

Trong quá trình thực hiện các hoạt động dầu khí nếu việc áp dụng phân cấp và lập Báo cáo có sự khác biệt so với quy định tại Thông tư này thì người điều hành có trách nhiệm cung cấp các căn cứ, hồ sơ tài liệu để Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trình Bộ Công Thương và Hội đồng thẩm định xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 6/11/2020 và Quyết định số 38/2005/QĐ-BCN ngày 6/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp ban hành Quy định phân cấp tài nguyên , trữ lượng dầu khí và lập báo cáo trữ lượng dầu khi hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.