Quy hoạch 5 năm của Trung Quốc: Lộ trình cải cách và tăng trưởng

Theo nghiên cứu của Bloomberg, thách thức lớn nhất cho “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13” của Trung Quốc có thể là việc kiểm soát lĩnh vực tài chính mà không gây tổn hại đến tăng trưởng.
Quy hoạch 5 năm của Trung Quốc: Lộ trình cải cách và tăng trưởng ảnh 1Công nhân ở Trung Quốc. (Nguồn: blouinnews.com)

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 5 khóa 18 Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh, các đề xuất cho “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13 về phát triển kinh tế quốc dân và xã hội” (gọi tắt là “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13”) giai đoạn 2016-2020 được xem xét và bàn luận.

Đây là kế hoạch trong đó đề ra lộ trình cải cách và tăng trưởng, khi nước này đang bước vào trạng thái phát triển "bình thường mới" với tăng trưởng thấp hơn và thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế hướng tới tiêu dùng và dịch vụ.

Tổng Công ty vốn quốc tế Trung Quốc, một trong những ngân hàng đầu tư hàng đầu nước này, cho rằng giai đoạn 2016-2020 có ý nghĩa quyết định đối với các cải cách có thể tạo thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế, bao gồm cải cách về thuế và chính sách tài khóa, tài chính và các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.

Theo nghiên cứu của Bloomberg, thách thức lớn nhất cho “Quy hoạch 5 năm lần thứ 13” có thể là việc kiểm soát lĩnh vực tài chính mà không gây tổn hại đến tăng trưởng. Các cải cách tiếp theo đối với thị trường tài chính được cho là sẽ bao gồm kế hoạch mới về khuyến khích sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong khi đó, các dịch vụ tài chính phi truyền thống có thể được phép đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế để giảm sự phụ thuộc vào các ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước và hoạt động truyền thống là nhận tiền gửi và cho vay của các ngân hàng này. Các dịch vụ trung gian tài chính trọn gói mới có thể là trọng tâm của sự điều chỉnh và được khuyến khích.

Nhà kinh tế trưởng của J.P. Morgan China, Zhu Haibin, cho rằng nhiệm vụ có ý nghĩa hơn của hội nghị là ưu tiên hóa các mục tiêu chính sách, đặc biệt là xem xét việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tiếp tục giảm. Cũng như các kế hoạch 5 năm trước đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế có thể được đặt ra trong "Quy hoạch 5 năm lần thứ 13."

Các dự báo của thị trường về mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 sẽ được đề ra là 6,5-7%. Với thị trường, mục tiêu tăng trưởng được xem là điều quan trọng cho thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc ưu tiên cho tăng trưởng hay tái cơ cấu kinh tế. Nếu mục tiêu tăng trưởng được hạ xuống 6,5% thì có thể hiểu chính phủ chấp nhận tăng trưởng thấp hơn để tạo điều kiện cho việc tái cơ cấu, vì thế giảm nỗ lực kích thích. Còn nếu mục tiêu tăng trưởng không thay đổi vẫn ở mức 7% như đã được đề ra trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 thì có thể hiểu chính phủ vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và sẽ nới lỏng hơn, có thể chấp nhận hy sinh việc tái cân bằng cơ cấu.

Mức 6,5% cũng là con số mà các chuyên gia khác dự báo cho mục tiêu tăng trưởng thấp nhất mà các hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ đề ra, cho đây là mức có thể chấp nhận và có thể đạt được trong bối cảnh nền kinh tế chịu sức ép suy giảm và quá trình tái cơ cấu kinh tế đang diễn ra.

Ông Chang Xiuze, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Tsinghua và là một nhà kinh tế thuộc nhóm cố vấn của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên đề ra mục tiêu đó cho giai đoạn 2016-2020 trong tình hình kinh tế hiện nay, khi mức tăng 7% là khó khăn để có thể đạt được.

Trong khi đó, ông Tan Haojun, một nhà báo về tài chính có tiếng, cũng cho rằng các nhà hoạch định chính sách nên đặt mục tiêu tăng trưởng thấp nhất là 6,5%. Theo hai ông, cải cách là mấu chốt trong thúc đẩy nền kinh tế, khi cải cách doanh nghiệp nhà nước và lĩnh vực tài chính sẽ tạo ra động lực mới.

Các kế hoạch 5 năm thường đề ra các mục tiêu về tăng trưởng như các mục tiêu về GDP và đề ra các hướng dẫn về các cải cách. Chẳng hạn, Quy hoạch 5 năm lần thứ 10 đề ra việc để thị trường đóng vai trò lớn hơn trong phân bổ các nguồn lực, Quy hoạch 5 năm lần thứ 11 nhấn mạnh tới sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang định hướng tiêu dùng và dịch vụ. Và Trung Quốc đã đạt được bước tiến lớn từ sau khi công bố Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 vào năm 2011.

Trong 5 năm qua, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ổn định và mức tăng trưởng trung bình ước đạt 7,8% trong 5 năm 2011-2015, cao hơn nhiều so với trung bình toàn cầu là 2,5%.

Các lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ xem xét các đề xuất cho kế hoạch 5 năm tới và kế hoạch cuối cùng sẽ được thông qua tại phiên họp hàng năm của Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3/2016. Kế hoạch này bao gồm một bộ sáng kiến phát triển kinh tế và xã hội vạch ra các chiến lược cho tăng trưởng trong 5 năm tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.