Gần 10.000 lao động ở bãi biển Sầm Sơn (thị xã Sầm Sơn, Thanh Hóa) hiện đang lo lắng về sinh kế, trong bối cảnh chủ trương của tỉnh là sẽ giao 3,5km bờ biển dọc đường Hồ Xuân Hương từ khu vực Resort Vạn Chài đến chân đền Độc Cước cho doanh nghiệp cải tạo, nâng cấp thành bãi tắm hiện đại.
Đây là chủ trương đúng nhưng việc quy hoạch bãi biển Sầm Sơn đang khiến các lao động trực tiếp và gián tiếp ở bãi biển lo lắng vì mất cơ hội mưu sinh với nghề chài lưới và kinh doanh dịch vụ du lịch - kế sinh nhai duy nhất của họ từ nhiều năm nay.
Vào đầu tháng Chín, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa xin chủ trương lập quy hoạch không gian ven biển đường Hồ Xuân Hương với 12 khu chức năng dự kiến gồm khu trung tâm tắm biển công cộng, khu khuôn viên cây xanh, khu vui chơi giải trí, khu thể thao bãi biển... với mức đầu tư dự kiến hơn 221 tỷ đồng.
Việc làm này không vì mục đích lợi nhuận, chủ yếu để hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa và thị xã Sầm Sơn.
Ông Võ Mạnh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sầm Sơn cho biết tính đến ngày 13/10, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa phê duyệt dự án quy hoạch không gian ven biển đường Hồ Xuân Hương. Tuy nhiên, Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có thông báo tới Thị ủy, Ủy ban Nhân dân thị xã Sầm Sơn nhanh chóng giải phóng mặt bằng toàn bộ khu vực bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, công việc này phải hoàn thành trước ngày 30/10/2015.
Theo thông báo của Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa, trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, việc cải tạo, nâng cấp đường Hồ Xuân Hương và phương án thiết kế không gian kiến trúc ven biển đường Hồ Xuân Hương của thị xã Sầm Sơn, các ban ngành liên quan cần lưu ý quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch chung xây dựng thị xã Sầm Sơn, nhất là các quy hoạch ở phía Tây đường Hồ Xuân Hương (trong đó có quảng trường biển).
Việc quy hoạch không được làm ảnh hưởng đến việc tắm biển của du khách tại các bãi tắm ở bãi biển Sầm Sơn; đồng thời phải quy hoạch khu vực bến đậu thuyền, bè cho ngư dân.
Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Sầm Sơn lãnh đạo thị ủy, Ủy ban Nhân dân thị xã Sầm Sơn tán thành chủ trương quy hoạch không gian ven biển Sầm Sơn. Sau khi quy hoạch lại, biển Sầm Sơn sẽ mang diện mạo mới, hiện đại hơn, văn minh hơn. Tuy nhiên, việc quy hoạch lại không gian ven biển Sầm Sơn cũng ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế của gần 1/6 dân số thị xã Sầm Sơn.
Nếu dự án quy hoạch không gian ven biển Sầm Sơn được tiến hành, sẽ có 2 đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp, đó là những người trực tiếp kinh doanh tại các kiốt ven biển và dân chài lưới.
Hiện, dọc biển Sầm Sơn có 51 kiốt lớn, mỗi kiốt này có hàng chục gia đình cùng góp vốn kinh doanh. Theo thống kê của Thị ủy Sầm Sơn, 51 kiốt này tạo việc làm cho từ 5.000-6.000 lao động trực tiếp và gián tiếp mỗi mùa du lịch.
Ngoài ra, trên 3,5km bờ biển dọc đường Hồ Xuân Hương có 4 bến thuyền, khu neo đậu truyền thống của ngư dân các xã Quảng Cư, phường Trung Sơn, phường Bắc Sơn, phường Trường Sơn với khoảng 700 chiếc thuyền, mảng. Mỗi thuyền mảng lại gắn với 1 gia đình, tương đương với việc sẽ có khoảng 3.000 nhân khẩu nữa sống nhờ vào nghề chài lưới.
Nếu việc quy hoạch không gian biển dọc bãi biển Sầm Sơn được triển khai, Sầm Sơn sẽ không còn các kiốt dọc biển, không còn 4 bến thuyền này nữa. Điều này sẽ giúp không gian bãi biển Sầm Sơn trở nên sạch đẹp, góp phần đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch biển ở khu vực này. Tuy nhiên, quy hoạch này sẽ tác động không nhỏ tới việc làm của gần 10.000 lao động là các ngư dân và các tiểu thương dọc bờ biển Sầm Sơn.
Anh Văn Đình Cường (thôn Trung Mới, phường Trường Sơn), chủ thuyền TH-4042 cho biết gia đình anh có 8 khẩu, sống nhờ nghề chài lưới. Từ bao đời nay gia đình anh vẫn làm nghề khai thác thủy, hải sản tại khu vực biển Sầm Sơn. Nếu thị xã và tỉnh quy hoạch lại, gia đình anh rất lo lắng, chưa biết bến bãi mới có thuận tiện cho việc ra vào tàu thuyền hay không
Hầu hết người ở dọc bãi biển Sầm Sơn mong muốn các cơ quan có thẩm quyền sẽ có quy hoạch lại bến bãi neo đậu tàu thuyền, đường ra biển để ngư dân thuận lợi trong khai thác hải sản. Họ cũng mong muốn con em họ sẽ được đào tạo và được nhận vào làm việc tại dự án khu du lịch.
Anh Nguyễn Tiến Dũng, một trong 44 chủ đồng sở hữu thuê kiốt số 7 (phường Trường Sơn) khẳng định cộng đồng dân cư ủng hộ chủ trương quy hoạch lại bãi biển Sầm Sơn đẹp, hiện đại hơn nhưng rất mong các cơ quan cấp trên lưu ý đến phương án hỗ trợ địa điểm kinh doanh mới cho các hộ gia đình bởi nếu không kinh doanh phục vụ khách du lịch, người dân chưa biết làm gì để mưu sinh.
Thị xã Sầm Sơn đang đồng thời thực hiện 4 nhóm giải pháp: Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương của tỉnh đề ra; giải phóng các kiốt bãi biển; thống kê giá trị tài sản, áp giá, đền bù cho các hộ kinh doanh kiốt; di dời các bến thuyền truyền thống.
Việc quy hoạch lại bãi biển Sầm Sơn là chủ trương đúng, vấn đề đặt ra hiện nay là việc giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân, tái bố trí các bến neo đậu tàu thuyền. Để thực hiện được điều này rất cần sự vào cuộc của các ban, ngành và doanh nghiệp trực tiếp thực hiện dự án. Tập đoàn FLC cũng cần cam kết sử dụng lao động địa phương nhằm đảm bảo người dân có việc làm và thu nhập ổn định./.