Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến 2050

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích tự nhiên khoảng 40.600km2.
Lắp đặt ống cấp nước cho người dân vùng hạn mặn. (Ảnh: Hoài Thu/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích tự nhiên khoảng 40.600km2, bao gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ dân cư đô thị loại 3 trở lên được sử dụng nước sạch đạt 90-100%, đô thị loại 4 và loại 5 đạt 90-95%; tỷ lệ dân cư nông thôn tập trung được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước vùng liên tỉnh, cấp nước đô thị đạt 25%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân đạt 18%.

Đến năm 2030, tỷ lệ dân cư đô thị được sử dụng nước sạch đạt 98-100%; tỷ lệ dân cư nông thôn tập trung được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước vùng liên tỉnh, cấp nước đô thị đạt 35%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân đạt dưới 12%.

Ba vùng cấp nước

Trên cơ sở điều kiện địa hình, nguồn nước, thực trạng và định hướng phát triển không gian vùng, nhu cầu sử dụng nước và phát triển cấp nước theo các giai đoạn quy hoạch, vùng Đồng bằng sông Cửu Long được chia thành ba vùng cấp nước.

Cụ thể, Vùng 1-Bắc Sông Tiền bao gồm toàn bộ các tỉnh Long An, Tiền Giang và một phần tỉnh Đồng Tháp. Vùng 2-Giữa sông Tiền và sông Hậu bao gồm toàn bộ các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh và một phần tỉnh Đồng Tháp. Vùng 3-Vùng Tây Nam sông Hậu bao gồm toàn bộ các tỉnh, thành phố Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Trong các vùng cấp nước, theo điều kiện nguồn nước chia thành các khu vực: Thuận lợi, ít thuận lợi và khó khăn về nguồn nước làm cơ sở lựa chọn giải pháp cấp nước phù hợp. Các khu vực thuận lợi về nguồn nước gồm các tỉnh Đồng Tháp, An Giang; một phần thành phố Cần Thơ. Các khu vực ít thuận lợi về nguồn nước gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang; một phần tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ. Các khu vực khó khăn về nguồn nước gồm các tỉnh Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh; một phần tỉnh Vĩnh Long.

Đầu tư xây dựng năm nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, giải pháp cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long kết hợp giữa nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh với các nhà máy nước quy mô vùng tỉnh phù hợp với điều kiện nguồn nước của từng khu vực.

Đầu tư xây dựng năm nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh và kết nối với mạng lưới đường ống truyền tải liên tỉnh cấp nước cho các khu vực nguồn nước bị xâm nhập mặn hoặc khó khăn về nguồn nước gồm Nhà máy nước sông Tiền 1, khu vực huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang; Nhà máy nước sông Tiền 2, khu vực thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; Cụm nhà máy nước sông Hậu 1, khu vực quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ và nhà máy nước Sông Hậu khu vực Khu công nghiệp sông Hậu, tỉnh Hậu Giang; Nhà máy nước sông Hậu 2, khu vực huyện Châu Thành, tỉnh An Giang; Nhà máy nước sông Hậu 3, khu vực thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Quy mô công suất và phạm vi cấp nước của các nhà máy nước quy mô vùng liên tỉnh được đầu tư mở rộng dựa theo nhu cầu sử dụng nước, kịch bản biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn trong từng giai đoạn quy hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục