Theo kế hoạch, năm 2016, tỉnh Hậu Giang dành ngân sách hơn 35 tỷ đồng đầu tư chương trình nước sạch nông thôn.
Tỉnh phấn đấu có thêm hơn 4.000 hộ được sử dụng nước sạch; tỷ lệ hộ nông thôn sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh đạt 88%.
Tỉnh Hậu Giang thực hiện chương trình nước sạch nông thôn theo hướng lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế-xã hội và xây dựng nông thôn mới; ưu tiên đầu tư công trình cấp nước tập trung có công suất lớn tại thị trấn, tuyến, khu đông dân cư tập trung và vùng sâu, vùng xa.
Đồng thời, các đơn vị chức năng hỗ trợ người dân xử lý nước phèn, nhiễm mặn đối với dân cư sống không tập trung; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; vận động sự đóng góp của các doanh nghiệp, dân cư trong việc xây dựng các công trình nước sạch nông thôn.
Mặt khác, tỉnh cũng có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doang nghiệp trong ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực nước sạch nông thôn.
Việc tập trung đầu tư đưa nước sạch về nông thôn không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch cho cộng đồng dân cư nông thôn mà còn là giải pháp hữu hiệu nâng cao nhận thức người dân trong việc sử dụng nước sạch, nâng cao chất lượng sống, phòng tránh các bệnh tật từ việc sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh.
Ngoài ra, việc đầu tư này còn góp phần hạn chế việc khai thác quá mức nguồn nước ngầm gây ảnh hưởng đến kết cấu địa chất, bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu...
Trong năm 2015, tỉnh Hậu Giang đầu tư gần 26 tỷ đồng xây dựng các công trình nước sạch nông thôn, cung cấp nước sạch cho khoảng 5.000 hộ dân ở vùng sâu, vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn, nhất là những khu vực nhiễm mặn và bị mặn xâm nhập; đưa vào sử dụng trạm cấp nước sạch tập trung xã Nhơn Nghĩa A và xã Trường Long Tây thuộc huyện Châu Thành A, trạm cấp nước xã Thuận Hưng thuộc huyện Long Mỹ.
Đồng thời, tỉnh đầu tư 6 công trình thủy lợi lồng ghép với cung cấp nước hợp vệ sinh cho bà con ở các địa phương nhiễm mặn và mặn xâm nhập là huyện Long Mỹ, huyện Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và thị xã Ngã Bảy...
Trong 12 năm qua, vốn đầu tư được phân bổ thực hiện các công trình về cấp nước trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đạt hơn 350 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn huy động thêm các nguồn vốn khác được khoảng 160 tỷ đồng; trong đó vốn huy động trong dân đạt gần 10 tỷ đồng.
Trung tâm nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh đang quản lý 250 công trình cấp nước; trong đó có 29 hệ thống cấp nước tập trung và 239 trạm mini, tăng 74 trạm so với năm 2004. Có 33.000 hộ dân đang sử dụng nước từ các trạm cấp nước của trung tâm, tăng 27.000 hộ so với năm 2004, nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh toàn tỉnh từ 57% lên mức 86%; trong đó có khoảng 40% dân số được cấp nước sạch đạt Quy chuẩn 2 của Bộ Y tế./.