Nhiều mô hình tốt về tư nhân tham gia cung cấp nước sạch nông thôn đã xuất hiện ở một số tỉnh như Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, Hà Nam, Bắc Ninh… Ước tính trên cả nước có khoảng 500 hệ thống cấp nước sạch nông thôn do khu vực tư nhân đầu tư cấp nước cho hơn 500.000 người dân.
Đó là một trong các nội dung đáng chú ý vừa được công bố tại Hội nghị trực truyến Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải diễn ra sáng nay (24/7), tại Hà Nội.
Đánh giá về kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, chương trình cũng đã bước đầu tạo lập được môi trường thuận lợi và hành lang pháp lý rõ ràng để khu vực tư nhân đầu tư vào lĩnh vực này bằng các cơ chế, chính sách ưu đãi.
Theo đó, số lượng, quy mô và vốn đầu tư các dự án của khu vực tư nhân ngày càng lớn như tỉnh Hà Nam có 11 doanh nghiệp, tỉnh Thái Bình đã có những chính sách đột phá hỗ trợ cho tư nhân theo phương thức kết quả đầu ra (hỗ trợ 3 triệu đồng/m3 công suất của nhà máy) và hiện có 17 doanh nghiệp đăng ký đầu tư xây dựng công trình nước sạch với tổng vốn 1.085 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, theo báo cáo tổng hợp, toàn quốc hiện có khoảng 15.093 công trình cấp nước tập trung với các mô hình quản lý khác nhau như cộng đồng 48%, trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh 19%, tư nhân 11%, ủy ban nhân dân xã 12%, doanh nghiệp 5%, hợp tác xã 3%, Ban quản lý 2%.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã khơi dậy phong trào toàn dân sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Theo đó, tính đến nay, cả nước đã có khoảng 84% số hộ nông thôn được sử dụng nước từ các công trình nước sạch. Sự thành công của chương trình này đã từng bước hình thành thị trường nước sạch và vệ sinh nông thôn.
“Mặc dù đã đạt được nhiều thành tích, kết quả nhưng Chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tỷ lệ trường học có công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia còn thấp, có khả năng khó đạt mục tiêu của chương trình vào năm 2015,” Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cho hay.
Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, mức độ tiếp cận của người dân vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa các vùng miền và tính bền vững của công trình cấp nước và vệ sinh ở nhiều nơi còn hạn chế, thậm chí ở một số địa phương nhất là các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc được đầu tư từ nhiều nguồn vốn (khoảng 20 tỉnh) có tỷ lệ công trình hoạt động không hiệu quả còn cao, làm giảm tác dụng của chương trình, gây dư luận bức xúc trong xã hội, mặc dù số lượng người bị ảnh hưởng nhỏ.
Do vậy, kết luận tại Hội nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trunh Hải nêu rõ các đơn vị cơ sở cần phấn đấu để đạt được 100% các mục tiêu từ nay đến hết năm 2015, theo đó, các ban ngành liên quan cần có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền đồng thời huy động sự tham gia tích cực của người dân và khu vực tư nhân tham gia chương trình./.
Mục tiêu đến năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn sẽ đảm bảo cấp nước cho 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trong đó 55% sử dụng nước đạt quy chuẩn QCVN 02-BYT đồng thời đảm bảo ít nhất 90% các công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững gắn với mô hình quản lý hiệu quả; giảm 5% thất thoát nước hệ thống cung cấp nước tập trung. Mặt khác, Chương trình đảm bảo cho 75% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh.