Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định (số 1757/QĐ-TTg, ngày 31/12/2023) phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là một dấu mốc cực kỳ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Nông theo chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước, phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng Tây Nguyên.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, khác biệt, nổi trội của tỉnh Đắk Nông để phát triển nhanh và bền vững; khai thác hiệu quả lợi thế vị trí chiến lược của tỉnh Đắk Nông, là cửa ngõ kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ; ưu tiên các động lực phát triển, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi; sử dụng hiệu quả các loại tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển khá của vùng Tây Nguyên với hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ; là cửa ngõ quan trọng kết nối giao thương giữa Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; là trung tâm công nghiệp bôxít-alumin-nhôm quốc gia và là trung tâm năng lượng tái tạo của vùng Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, với các tiềm năng lớn về đất đai, thổ nhưỡng, Đắk Nông cũng được định hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị thị trường; phát triển du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái dựa trên lợi thế về cảnh quan, khí hậu, văn hóa đặc trưng và Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng định hướng đến năm 2050, Đắk Nông trở thành tỉnh phát triển vùng Tây Nguyên với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh. Xây dựng Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp nhôm và sau nhôm của quốc gia; xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao và là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái của vùng. Trở thành “tỉnh mạnh, dân giàu, thiên nhiên tươi đẹp, xã hội nghĩa tình.”
Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh Đắk Nông sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện chuỗi sản xuất bôxít-alumin-nhôm, sau nhôm; đầu tư các dự án năng lượng tái tạo theo quy hoạch.
Nền tảng cho định hướng này là trữ lượng bôxít tỉnh Đắk Nông cao nhất cả nước (chiếm khoảng 2/3 tổng trữ lượng với hơn 5,4 tỷ tấn) và quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ ban hành vào ngày 18/7/2023.
Các dự án, công trình được ưu tiên thuộc lĩnh vực này bao gồm nhà máy điện phân nhôm Đắk Nông; dự án nâng công suất nhà máy alumin Nhân Cơ từ 0,65 lên 0,8 triệu tấn/năm; dự án đầu tư dây chuyền sản xuất alumin thứ 2 (thuộc nhà máy alumin Nhân Cơ) với công suất 1,2 triệu tấn/năm; các dự án alumin Đắk Nông 2, 3, 4, 5 gắn với các khu vực, cụm mỏ đã được quy hoạch; và phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời theo quy hoạch quốc gia theo hướng tự sản, tự tiêu.
Đối với ngành nông, lâm nghiệp, Đắk Nông định hướng tiếp tục phát triển mạnh các loại cây công nghiệp chủ lực như càphê, cao su, điều, hồ tiêu theo hướng bền vững, nâng cao giá trị.
Tỉnh cũng định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý để phát triển các loại cây mắcca, dược liệu, cây ăn quả… có giá trị kinh tế cao và phát triển các loại hình kinh tế dưới tán rừng phù hợp.
Đây đều là những định hướng quan trọng, dựa trên nền tảng Đắk Nông hiện là tỉnh có diện tích hồ tiêu gần 34.000ha, đứng đầu cả nước; càphê hiện hơn 141.000ha, đứng thứ ba cả nước; và diện tích rừng hơn 250.000ha, chiếm gần 40% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh Đắk Nông.
Đặc biệt, dựa trên các lợi thế về cảnh quan, khí hậu và nền văn hóa đậm đà bản sắc của 40 dân tộc anh em, Đắk Nông định hướng trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với khai thác hiệu quả Công viên Địa chất Toàn cầu UNESCO Đắk Nông; Tà Đùng-Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên; các thác nước nổi tiếng như Đray Sáp; Liêng Nung, Đắk Glun…
Về phương án tổ chức hoạt động kinh tế xã hội, Đắk Nông sẽ xây dựng mô hình “một trung tâm, ba động lực tăng trưởng, bốn hành lang kinh tế, bốn tiểu vùng phát triển.”
Theo đó, thành phố Gia Nghĩa, thủ phủ của tỉnh Đắk Nông là trung tâm chính trị, kinh tế, hành chính, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ của tỉnh. Đây cũng là đô thị hạt nhân của chuỗi đô thị Đắk R’lấp-Gia Nghĩa-Quảng Khê, 1 trong 3 động lực tăng trưởng của tỉnh Đắk Nông.
Trên nền tảng hệ thống giao thông, Đắk Nông cũng định hướng 4 trục hành lang kinh tế, bao gồm: trục hành lang đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) với vai trò huyết mạch giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ và thành phố Hồ Chí Minh; trục hành lang Quốc lộ 28 kết nối Đắk Nông với tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh duyên hải miền Trung; trục hành lang Quốc lộ 14C phát triển theo biên giới phía Tây kết hợp với quốc phòng-an ninh; và trục hàng lang đường cao tốc cơ bản theo trục đường Hồ Chí Minh với chất lượng cao, trọng điểm và phát triển nhanh hơn.
Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, sau 20 năm thành lập, từ một tỉnh nghèo với nhiều khó khăn, thách thức do xuất phát điểm thấp, Đắk Nông đã vươn mình trở thành một điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Hiện, Đắk Nông đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển mạnh mẽ nhờ nguồn tài nguyên bôxít phong phú, trữ lượng lớn và vị trí kết nối giữa cáctỉnh Tây Nguyên với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng an ninh, Đắk Nông luôn phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển.
Đắk Nông vươn mình mạnh mẽ sau 20 năm thành lập, xây dựng và phát triển
Sau 20 năm thành lập tỉnh, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDRP) của Đắk Nông tăng gấp 24 lần lên mức 45.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 12 lần, đạt trên 60 triệu đồng.
Tỉnh đặt mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và chú trọng thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao.
Quá trình phát triển, tỉnh Đắk Nông luôn ưu tiên nguồn lực cho khu vực nông thôn thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình ổn định dân di cư tự do. Mục tiêu quan trọng nhất là đảo đảm mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ, tiếp cận giáo dục, dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng.
Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, truyền thống, bản sắc của các dân tộc, nhất là các dân tộc bản địa./.