Quy hoạch điện VIII: Ưu tiên khai thác hợp lý nguồn năng lượng tái tạo

Quy hoạch điện VIII được hy vọng sẽ tạo ra bước đổi mới quan trọng; là cơ sở, nền tảng để huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Quy hoạch điện VIII: Ưu tiên khai thác hợp lý nguồn năng lượng tái tạo ảnh 1Nhà máy điện Mặt Trời Sao Mai-An Giang với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng hoàn thành sau 2 năm xây dựng. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Ngày 10/3, Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Hội đồng.

Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) đã nộp dự thảo lần 3, đang tiếp tục xin ý kiến rộng rãi.

Quy hoạch điện VIII được hy vọng sẽ tạo ra bước đổi mới quan trọng; là cơ sở, nền tảng để huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; là công cụ kiểm soát, quản lý hiệu quả, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đáng chú ý, đề án Quy hoạch này sẽ ưu tiên khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng cho phát điện.

Tới năm 2030 khai thác mạnh các nguồn năng lượng tái tạo

Quy hoạch điện VIII được giao cho Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ trì lập, hiện đã nộp dự thảo lần thứ 3 để Bộ Công Thương xin ý kiến rộng rãi.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Đề án Quy hoạch điện VIII gồm 19 chương, chia thành các nội dung chủ yếu như quan điểm, mục tiêu và phương pháp; hiện trạng hệ thống điện quốc gia và nhu cầu tiêu thụ điện; các tiêu chí, thông số đầu vào để lập quy hoạch; tiềm năng các nguồn năng lượng sơ cấp sử dụng cho phát điện; chương trình phát triển nguồn điện, lưới điện...

[Quy hoạch Điện VIII: Kiến nghị nâng tỷ trọng điện gió ngoài khơi]

Theo tính toán, điện thương phẩm dự báo trong Quy hoạch điện VIII thấp hơn so với Quy hoạch điện VII điều chỉnh khoảng 15 tỷ kWh vào năm 2030.

Tỷ trọng nhu cầu điện sẽ có sự dịch chuyển từ miền Nam ra miền Bắc, đây là yếu tố mới của Quy hoạch điện VIII.

Về nhiên liệu cho phát điện, Quy hoạch điện VIII sẽ ưu tiên khai thác các nguồn năng lượng tái tạo sử dụng cho phát điện. Giai đoạn tới năm 2030 tiếp tục khai thác mạnh các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nguồn gió ngoài khơi xa bờ, các nguồn điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác...

Về chương trình phát triển nguồn điện, kịch bản phát triển nguồn điện lựa chọn đáp ứng tốt tiêu chí an ninh cung cấp điện, thỏa mãn các cam kết với quốc tế về giảm ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất điện với chi phí sản xuất điện thấp, hài hòa lợi ích nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.

Chương trình phát triển nguồn điện đáp ứng tốt các tiêu chí đặt ra nêu trong Nghị quyết số 55/NQ-TW của Bộ Chính trị, dành ưu tiên cao cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy phát triển các dự án điện khí hóa lỏng LNG và từng bước giảm dần việc phát triển các nhà máy sử dụng than trên toàn quốc.

Liên quan tới chương trình phát triển lưới điện, Đề án chia thành 6 vùng lớn và 19 tiểu vùng để phân tích và xây dựng lưới điện truyền tải liên kết mạnh giữa các vùng.

Quy hoạch điện VIII: Ưu tiên khai thác hợp lý nguồn năng lượng tái tạo ảnh 2Nhà máy điện gió Bạc Liêu. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Trước năm 2030, giữa các vùng sẽ được liên kết bằng nhiều đường dây 500kV. Sau năm 2030, sẽ xuất hiện thêm các đường dây truyền tải điện 1 chiều để giải tỏa công suất các cụm nguồn điện lớn, các nguồn điện gió xa bờ về các trung tâm phụ tải.

Vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch điện VIII trong giai đoạn 2021-2030 cần khoảng 128,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD và cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD; giai đoạn 2031-2045 cần khoảng 192,3 tỷ USD, trong đó cho nguồn điện khoảng 140,2 tỷ USD và cho lưới điện khoảng 52,1 tỷ USD.

Quy hoạch điện VIII sẽ là nền tảng để phát triển bền vững ngành điện

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đây là cuộc họp quan trọng để các thành viên Hội đồng tham gia thẩm định, làm cơ sở cho việc tư vấn, hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng phê duyệt.

Theo Phó Thủ tướng, điện năng có vai trò quan trọng, là yếu tố mang tính quyết định trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Quy hoạch điện VII đã nhiều lần điều chỉnh để đảm bảo an ninh năng lượng, góp phần phát triển ngành điện và kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, việc thực hiện Quy hoạch điện VII có những bất cập, hạn chế và gặp nhiều khó khăn; cơ cấu nguồn điện thay đổi, nhiều dự án điện chậm tiến độ hoặc không thực hiện được; bất cập trong vấn đề về bảo vệ môi trường...

Quy hoạch điện VII có tầm nhìn đến 2030, do đó cần có Quy hoạch với tầm nhìn dài hạn hơn. Cùng với đó, việc thực hiện Luật Quy hoạch mới cũng đặt ra yêu cầu cần phải xây dựng quy hoạch điện bài bản, toàn diện và sát hơn, đáp ứng điều kiện phát triển.

“Việc xây dựng, hoàn thiện và sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để huy động nguồn lực, phát triển bền vững ngành điện, cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng, bảo đảm an ninh năng lượng,” Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng tình với đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học rằng, Quy hoạch điện VIII được xây dựng một cách công phu, khoa học, đổi mới.

Quy hoạch đã đề ra những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; tính toán, dự báo được nhu cầu tiêu thụ điện gắn với tăng trưởng kinh tế-xã hội...

Phó Thủ tướng đánh giá, theo quy hoạch, cơ cấu ngành điện có sự thay đổi cơ bản, theo hướng tăng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam hiện đang khai thác hiệu quả phần lớn tiềm năng thủy điện, không còn nhiều dư địa để phát triển thêm.

Yêu cầu đặt ra với các dự án thủy điện trong thời gian tới là phải vận hành gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.

Các nguồn năng lượng điện Mặt Trời, gió cần được tiếp tục ưu tiên phát triển bởi đây là nguồn tài nguyên đặc biệt lớn của đất nước. Vấn đề đặt ra là các nguồn năng lượng này không thực sự ổn định, thời gian phát điện tập trung vào một số thời điểm trong ngày, do đó, cần thiết phải hình thành và duy trì các nguồn điện nền ổn định của cả hệ thống.

Theo Quy hoạch điện VIII, cơ cấu điện than ngày càng giảm trong tổng công suất nguồn. Tuy nhiên, đây vẫn là nguồn năng lượng đặc biệt quan trọng, là một trong những nguồn điện nền của cả hệ thống.

Về kế hoạch triển khai, Phó Thủ tướng cho rằng, quy hoạch cần tính toán đến bố trí nguồn vốn một cách phù hợp, đưa vào danh mục những dự án có thể sớm khai thác trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đề nghị các thành viên Hội đồng thẩm định Quy hoạch điện VIII khẩn trương góp ý kiến vào đề án; các chuyên gia phản biện làm việc tích cực, sớm có báo cáo phản biện. Bộ Công Thương nhanh chóng tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện Đề án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Quy hoạch điện VIII chắc chắn sẽ tạo ra bước đổi mới quan trọng; là cơ sở, nền tảng để huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; là công cụ kiểm soát, quản lý hiệu quả, bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia,” Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.