Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Đề án có mục tiêu chung là phát triển hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài cùng với các hành lang, vành đai kinh tế và các cực tăng trưởng đã xác định (hai hành lang, một vành đai Bắc Bộ và hành lang Đông-Tây, các thành phố lớn, các vùng kinh tế trọng điểm) tạo thành khung cơ bản trong tổ chức lãnh thổ quốc gia, trong đó đặc biệt quan trọng là hình thành khung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cả nước; đồng thời, phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trên toàn tuyến hành lang, đặc biệt là các đô thị lớn, tạo hiệu ứng lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương khác trong cả nước. Kinh tế toàn tuyến chiếm tới 70% tổng GDP quốc gia.
Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2020, toàn tuyến có quy mô kinh tế khoảng 200-220 tỷ USD (chiếm khoảng 70% tổng GDP quốc gia) và chiếm khoảng 80% dân số đô thị tăng thêm trong cả nước ở thời kỳ từ nay đến năm 2020; phấn đấu chiếm khoảng 46% khối lượng vận tải biển và khoảng 70% khối lượng hàng hóa vận chuyển Bắc-Nam vào năm 2020, thu hút khoảng 9-9,5 triệu khách quốc tế và 40-41 triệu khách nội địa với doanh thu đạt 15-16 tỷ USD.
Giá trị thương mại trên toàn tuyến hành lang kinh tế chiếm khoảng 40% thương mại bán lẻ và khoảng 85% tổng giá trị thương mại Bắc-Nam (1/3 tổng giá trị thương mại quốc gia). Theo đó, các lĩnh vực sẽ được ưu tiên phát triển gồm xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung vào hệ thống giao thông, hạ tầng phát triển dịch vụ thương mại và du lịch, hạ tầng tại các khu kinh tế; phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; tiếp tục cải cách hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng để thu hút đầu tư nước ngoài.../.