Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên cả nước

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên cả nước ảnh 1Kho lạnh Satra tại Trung tâm Thương mại Bình Điền (quận 8, Tp Hồ Chí Minh). (Ảnh: TTXVN phát)

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo định hướng, phát triển các trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và quốc tế, có vị trí và vai trò là trung tâm gốc tại các thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ các trung tâm gốc này, phát triển theo hình rẻ quạt là các trung tâm logistics hạng II cấp vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế; bám sát và hỗ trợ lưu thông hàng hóa từ sản xuất, nhập khẩu đến tiêu dùng, xuất khẩu của các vùng, tiểu vùng và trên các hành lang kinh tế; kết nối với hệ thống cảng biển, cảng cạn, cảng hàng không, ga đường sắt, mạng lưới giao thông đường bộ, các cửa khẩu quốc gia, cửa khẩu quốc tế và khu kinh tế cửa khẩu, các khu công nghiệp, khu sản xuất hàng hóa tập trung...

Hình thành và phát triển các trung tâm logistics chuyên dụng, trước mắt là các trung tâm logistics chuyên dụng hàng không gắn liền với các cảng hàng không, kết nối cùng với hệ thống các trung tâm logistics hạng I và hạng II để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hoặc trung chuyển hàng hóa qua các loại hình vận tải đa phương thức, phục vụ cho đầu vào và đầu ra của sản xuất công nghiệp tại các khu công nghiệp, trung tâm công nghệ cao, vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Trong đó, miền Bắc hình thành và phát triển 7 trung tâm logistics hạng I, hạng II và một trung tâm logistics chuyên dụng gắn liền với cảng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế.

Miền Trung-Tây Nguyên hình thành và phát triển 6 trung tâm logistics hạng I, hạng II và một trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế.

Miền Nam hình thành và phát triển 5 trung tâm logistics hạng I, hạng II và một trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại địa bàn các vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế.

Mục tiêu của Quy hoạch là phát triển mạng lưới trung tâm logistics bảo đảm đáp ứng tốt nhu cầu của sản xuất và lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu; khai thác có hiệu quả thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam, trong đó tập trung vào các dịch vụ logistics thuê ngoài, tích hợp trọn gói và đồng bộ, tổ chức và hoạt động theo mô hình logistics bên thứ 3 (3PL) nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển thông qua việc tối thiểu hóa chi phí và bổ sung giá trị gia tăng cho hàng hóa và dịch vụ của các doanh nghiệp.

Từng bước triển khai mô hình logistics bên thứ 4 (4PL) và logistics bên thứ 5 (5PL) trên cơ sở phát triển thương mại điện tử và quản trị chuỗi cung ứng hiện đại, hiệu quả, chuyên nghiệp.

Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 24-25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GDP toàn nền kinh tế là 10%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 40%, giảm thiểu chi phí logistics của toàn nền kinh tế so với GDP còn khoảng 20%. Đến năm 2030, các chỉ tiêu này lần lượt là 34-35%/năm, 15%, 65%/năm và 15​-17%/năm./.

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.