Quy hoạch Thành phố HCM: Xác định giải quyết 5 vấn đề trọng tâm

Việc xác định các quan điểm, mục tiêu, kịch bản, tầm nhìn, sứ mệnh của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ quy hoạch phải đủ để tiếp tục là cực tăng trưởng của Quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở các nội dung tại Hội thảo tham vấn quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 28/2. (Ảnh: Vietnam+)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở các nội dung tại Hội thảo tham vấn quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 28/2. (Ảnh: Vietnam+)

Để đảm bảo quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh có chất lượng cao nhất đồng thời hiệu quả và khả thi, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần phải tập trung vào giải quyết 5 vấn đề trọng tâm.

Nội dung trên được nêu ra tại Hội thảo tham vấn quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 28/2.

Cực tăng trưởng của Quốc gia

Nhấn mạnh đến các tiềm năng, lợi thế cũng như các điểm nghẽn phát triển và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã gợi mở các nội dung để các đại biểu tập trung thảo luận nhằm giúp Thành phố xây dựng bản quy hoạch chất lượng cao nhất, tạo cơ hội để phát triển trong giai đoạn tới.

Thứ nhất là các khâu đột phá phát triển trong thời kỳ quy hoạch. Cụ thể, nội dung, nội hàm của các đột phá đề ra đã đủ mạnh và tương xứng với các mục tiêu phát triển cũng như các thách thức cần vượt qua hiện nay của Thành phố.

Hai là việc xác định các quan điểm, mục tiêu, kịch bản, tầm nhìn, sứ mệnh của Thành phố trong thời kỳ quy hoạch. Trong đó, các mục tiêu đủ để Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là cực tăng trưởng của Nhà nước (như đã được xác định tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050).

Ba là xác định các ngành kinh tế và giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, các vấn đề về định hướng phát triển các ngành kinh tế biển, kinh tế công nghệ cao, Kinh tế Xanh, công nghiệp bán dẫn, công nghiệp văn hóa, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị...

hcm 1.jpg
Các đại biểu cho ý kiến tại Hội thảo tham vấn quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Vietnam+)

Bốn là định hướng tổ chức không gian phát triển, bao gồm hành lang công nghiệp, đô thị, dịch vụ. Các tiểu vùng, khu vực khuyến khích và hạn chế phát triển và các cực tăng trưởng giữ vai trò trung tâm của Thành phố. Đặc biệt là xây dựng trung tâm tài chính quốc tế gắn với việc tổ chức không gian phát triển của Thành phố.

Năm là định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật của thành phố, trong đó có vấn đề về phát triển, sử dụng hiệu quả không gian ngầm, hạ tầng giao thông, phát triển hạ tầng số, việc quy hoạch, phát triển đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Vị tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh những giải pháp đột phá nhằm giải quyết các vấn đề thách thức hiện nay là ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập úng; vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước của Thành phố.

Đi đầu, dẫn dắt và lan tỏa

Theo dự thảo quy hoạch được trình bày tại Hội thảo, Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí địa lý có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển kinh tế-xã hội. Quy mô dân số, lao động, đất đai và hệ thống đô thị lớn đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và phát triển đô thị hướng tới một siêu thành phố bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường trong Thành phố ngày càng gia tăng, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sự tập trung quá tải, đầu vào sản xuất tăng cao dẫn đến năng lực cạnh tranh bị suy giảm.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng, cơ cấu và cấu trúc các ngành kinh tế còn nhiều bất cập. Sự chuyển đổi chưa bắt kịp với các xu hướng, thời cơ phát triển mới của thời đại.

Trong khi, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế, cấu trúc không gian đô thị chưa phù hợp với một đô thị cực lớn và siêu thành phố trong tương lai, chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế của một đô thị ven sông, hướng biển.

Tham gia ý kiến tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao nội dung dự thảo quy hoạch, bám sát Quyết định số 642/QĐ-TTg ngày 26/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể hóa các Nghị quyết chiến lược phát triển của Đảng, Nhà nước trong cùng thời kỳ quy hoạch.

hcm3.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh phải đi đầu, dẫn dắt và lan tỏa. (Ảnh: Vietnam+)

Nhấn mạnh quyết tâm của Thành phố trong xây dựng, thực hiện quy hoạch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết Thành phố xác định sẽ đảm nhận vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Thành phố Hồ Chí Minh xác định vai trò, vị trí của mình trong phát triển đất nước, do đó quy hoạch lần này làm sao phải nhận diện hết các điểm nghẽn, hạn chế, khai thác hết các tiềm năng, không gian, động lực mới.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Phan Văn Mãi cho biết sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn và các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo quy hoạch để đóng góp cho sự phát triển, trở thành cực tăng trưởng của vùng và cả nước, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh Thành phố Hồ Chí Minh phải đi đầu, dẫn dắt và lan tỏa. Thành phố là cực tăng trưởng của vùng động lực phía Nam tại quy hoạch tổng thể quốc gia, trở thành thành phố kết nối toàn cầu bền vững.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng rằng với tư duy, cách tiếp cận, tầm nhìn mới, mang tính đột phá, phù hợp với các chủ trương đã được ban hành, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thành phố, phù hợp với xu hướng chung của khu vực và thế giới, quy hoạch sẽ góp phần quan trọng để Thành phố Hồ Chí Minh phát triển bứt phá trong thời gian tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.