Quỹ Save the Children hối thúc đưa trẻ em trở lại trường học

Trong báo cáo mới đưa ra ngày 2/3, Save the Children ước tính trẻ em trên thế giới đã mất tổng cộng 112 tỷ ngày đi học, trong đó những trẻ em thuộc nhóm nghèo nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Học sinh học trực tuyến do các trường học đóng cửa vì dịch COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 14/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Học sinh học trực tuyến do các trường học đóng cửa vì dịch COVID-19 tại Los Angeles, California, Mỹ, ngày 14/8/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Quỹ từ thiện Save the Children, trẻ em trên khắp thế giới đã mất trung bình hơn 1/3 trong tổng số 190 ngày đi học tiêu chuẩn của năm học 2020 do tác động của đại dịch COVID-19.

Qua đó, Save the Children kêu gọi chính phủ các nước và các "mạnh thường quân" nhanh chóng hành động nhằm ngăn chặn "hậu quả không thể đảo ngược" với hàng triệu trẻ em đứng trước nguy cơ thất học vĩnh viễn.

Trong báo cáo mới đưa ra ngày 2/3, Save the Children ước tính mỗi trẻ em đã bỏ lỡ trung bình 74 ngày đi học do các trường đóng cửa và không thể học từ xa do cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.

Quỹ này cho biết trẻ em trên thế giới đã mất tổng cộng 112 tỷ ngày đi học, trong đó những trẻ em thuộc nhóm nghèo nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trẻ em ở khu vực Mỹ Latinh, Caribe và Nam Á mất tổng số buổi học gấp 3 lần trẻ em ở Tây Âu.

[Hàng triệu trẻ em có nguy cơ phải bỏ học toàn toàn do dịch bệnh]

Giám đốc điều hành (CEO) của quỹ trên, ông Inger Ashing, nhận định gần một năm sau khi COVID-19 chính thức được xác nhận là đại dịch toàn cầu, hàng trăm triệu trẻ em vẫn chưa được đi học.

Ông cho rằng 2021 phải là năm để đảm bảo rằng trẻ em không phải "trả giá" vì đại dịch này.

Theo ông Ashing, thế giới sẽ thất bại trong cuộc chiến chống COVID-19 nếu không đảm bảo trẻ em được trở lại trường học an toàn, được tiếp cận các dịch vụ y tế, được ăn uống đầy đủ và được bảo vệ.

Quỹ từ thiện có trụ sở tại London này chỉ ra trong đỉnh dịch hồi năm ngoái, có 91% học sinh-sinh viên trên thế giới không được đến trường.

Phân tích của Save the Children kết luận các lệnh phong tỏa đã nới rộng khoảng cách về kinh tế và cơ hội trong một nước cũng như giữa các nước với nhau.

Cụ thể, khoảng cách ngày càng gia tăng giữa các gia đình giàu và nghèo, giữa vùng đô thị với nông thôn, giữa trẻ em tị nạn hoặc bị bỏ mặc với trẻ em sở tại, giữa trẻ em bị thương tật với trẻ em bình thường.

Save the Children cũng nhận thấy "sự khác biệt lớn" trong việc tiếp cận phương pháp học từ xa ở các nước giàu trong đại dịch, đặc biệt là ở Mỹ.

Các học sinh tại đây thường mất kết nối Internet nhiều hơn so với những nước có thu nhập cao khác khiến việc học trực tuyến bị cản trở.

Trong khi đó, ở Na Uy, 30% trẻ em trong độ tuổi từ 9-18 không được tiếp cận với máy tính tại nhà. Còn ở Hà Lan, tỷ lệ này là 20%.

Save the Children nhấn mạnh việc hỗ trợ trẻ em quay lại trường học cần được xem là ưu tiên hàng đầu tại hội nghị các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), do Anh tổ chức vào tháng Sáu năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.