Quýt ngọt Hương Cần đặc sản của Thừa Thiên-Huế vào vụ thu hoạch

Những ngày này, nhiều hộ dân ở làng Hương Cần, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) đang tất bật thu hoạch quýt, một sản vật nổi tiếng ở địa phương.
Nông dân ở làng Hương Cần thu hoạch quýt. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Những ngày này, nhiều hộ dân ở làng Hương Cần, xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) đang tất bật thu hoạch quýt, một sản vật nổi tiếng ở địa phương. Với diện tích hơn 15ha dọc bãi bồi sông Bồ, dự tính năm nay, mỗi ha quýt Hương Cần cho thu hoạch trên 200 triệu đồng.

Quýt Hương Cần có đặc điểm khác với các loại quýt khác là khi chín quả có màu vàng cam ở mặt quả và màu xanh lá cây ở phần cuống. Vỏ quýt xốp, mỏng như giấy rất dễ bóc, khi bóc quýt có mùi thơm đặc trưng. Các múi quýt dễ tách ra từng múi, có màu hồng nhạt, khi ăn vị ngọt và thanh. Vì thế, mới có câu thơ trong "Lời quả quýt" của Tùng Thiện Vương: "Tháng 5 xanh tháng 10 vàng/ Trải bao mưa gió trải bao sương/ Lòng mong được tự người yêu bóc/ Để biết mình thơm ngát tận xương..."

Quýt Hương Cần cho hoa từ tháng 2, bắt đầu thu hoạch vào cuối tháng 8 (âm lịch) trở đi. Quýt Hương Cần tên khoa học là Citrus deliciosa Tenore, thuộc chi Citrus, họ Rutaceae, nằm trong danh mục nguồn "Gien cây trồng quý cần bảo tồn của Việt Nam" (Ban hành theo QĐ số 80/2005/QĐ-BNN, ngày 5/12/2005 của Bộ NN-PTNT Việt Nam).

Cây quýt ưa khí hậu nóng, ẩm, nhiều ánh sáng, có rất nhiều nơi trồng quýt nhưng quýt Hương Cần nổi tiếng nhờ được trồng trên đất phù sa của sông Bồ. Điều đáng chú ý ở Hương Cần là giống cây không bị thoái hóa sau nhiều năm do người làm vườn ở đây thường dùng phương pháp chiết cành để nhân giống giúp cho cây trồng mới vừa phát triển nhanh vừa chống được thoái hóa không như nhiều loại cây trồng cam quýt khác.

Theo thống kê, vùng Hương Cần có gần 100 hộ trồng quýt. Nằm ngay cạnh sông Bồ, vườn quýt của gia đình bà Hồ Thị Mãn với hơn gần 100 gốc quýt, trồng từ 3-10 năm. Vụ quýt năm nay, mỗi gốc thu hoạch được từ 30-50kg, bán ra thị trường với mức giá 25.000-30.000 đồng/kg. Tính ra, mỗi sào (500 m2) trồng được khoảng 25 gốc quýt cho thu nhập 40-50 triệu đồng, mang lại nguồn thu lớn cho gia đình, cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Người trồng quýt lâu năm ở Hương Cần thuộc hết đặc tính của cây. Quýt Hương Cần ngon nổi tiếng nhưng phải biết, cây ưa ẩm và nhiều ánh sáng mặt trời. Nắng quá cũng chết vì thiếu nước tưới. Mưa nhiều quá hoặc bị ngâm lũ cũng chết vì úng nước.

Do đó để bảo tồn được cây quýt Hương Cần không phải chuyện dễ. Quýt Hương Cần đã khẳng định được uy tín vượt bậc của một loại đặc sản không chỉ của địa phương mà còn mang tầm quốc gia. Bởi vậy, quýt Hương Cần được công nhận là nguồn gen quý hiếm của đất nước.

Hiện tại, vùng ven sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu rộng hàng nghìn ha ở Thừa Thiên-Huế thường có phù sa bồi đắp sau khi có mưa lũ nên thuận lợi cho phát triển quýt Hương Cần. Thời gian tới, ngoài việc mở rộng diện tích, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng hết sức chú trọng tạo dựng và phát triển thương hiệu quýt Hương Cần thông qua việc xây dựng hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm quýt.

Mặt khác, tỉnh cần xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm, kết hợp hài hòa lợi ích với đời sống kinh tế của người dân trồng quýt. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia tích cực của các nhà khoa học trong việc bảo tồn, nhân giống quýt Hương Cần và phát triển các sản phẩm quýt đảm bảo chất lượng.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đưa nguồn gen quýt Hương Cần vào danh mục những gen quý hiếm cần bảo tồn, nhằm bảo tồn nguồn gen để phục vụ cho khai thác, sử dụng có hiệu quả quỹ gen cây trồng. Tỉnh phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Huế thực hiện Đề tài "Nghiên cứu sản xuất chế phẩm nano bạc có bổ sung chitosan nhằm ứng dụng bảo quản quả quýt Hương Cần tại Thừa Thiên-Huế" nhằm bảo quản quýt bằng công nghệ cao là giải pháp đột phá, kéo dài thời gian sử dụng, nâng cao giá trị sử dụng và tăng thu nhập cho người nông dân.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục