Chiều 28/8, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam (Bộ Nội vụ), Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách “Liên Xô và Việt Nam trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất - Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954” - bản tiếng Việt.
Đến dự có Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vasilievich Vnukov, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội Natalia Valerievna Shafinskaya, đại diện các bộ, ngành, Hội Hữu nghị Việt-Nga...
Theo Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết tại Geneva năm 1954 là dấu mốc lịch sử quan trọng, có ý nghĩa thời đại to lớn. Khi nói đến thắng lợi của Hội nghị Geneva, không thể không nhắc đến hợp tác Xô-Việt trong đấu tranh ngoại giao. Sự giúp đỡ toàn diện với tinh thần chủ nghĩa quốc tế vô sản của Liên Xô trong đó có những đóng góp ở Hội nghị Geneva là yếu tố vô cùng quan trọng giúp nhân dân Việt Nam lập lại hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
Nhằm khẳng định hơn nữa những giá trị, ý nghĩa lịch sử của Hội nghị Geneva cũng như nhằm làm sáng tỏ các vấn đề về cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương, năm 2017, trong khuôn khổ những nội dung hợp tác đã được ghi nhớ và ký kết giữa lưu trữ quốc gia hai nước Việt Nam-Liên bang Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Việt Nam, Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga đã phối hợp biên soạn cuốn sách "Liên Xô và Việt Nam trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất: Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954."
Cuốn sách đã được Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga xuất bản bản tiếng Nga năm 2017 nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga.
Năm 2019, nhân dịp năm Hữu nghị, kỷ niệm 25 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Cơ quan Lưu trữ Liên bang Nga, Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội tiếp tục biên soạn, xuất bản cuốn sách này trên cơ sở biên dịch, chọn lọc nội dung từ bản tiếng Nga sang tiếng Việt để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu của công chúng trong nước.
Bản tiếng Việt của cuốn sách dày 900 trang, giới thiệu gần 200 tài liệu, hình ảnh được tập hợp từ các cơ quan lưu trữ quốc gia của Việt Nam và Liên bang Nga, gồm những văn kiện, văn bản, thư từ, thông báo, biên bản, nội dung các bản điện đàm… về Hội nghị Geneva cũng như phong trào quốc tế và cộng sản ủng hộ hòa bình tại Đông Dương và tình hình Việt Nam bắt đầu từ năm 1950 cho đến thắng lợi tại Hội nghị Geneva năm 1954.
Cuốn sách cung cấp những thông tin, tài liệu có giá trị không chỉ đối với các nhà nghiên cứu về Hội nghị Geneva năm 1954, về lịch sử quan hệ quốc tế mà còn với tất cả những ai quan tâm đến lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam-Liên bang Nga.
Giám đốc Cơ quan Lưu trữ lịch sử chính trị-xã hội quốc gia Nga Andrey Konstantinovich Sorokin bày tỏ “thật khó tin khi chỉ trong vài ngày vào tháng 8/1945, nhân dân Việt Nam đã lật đổ được chế độ thực dân mà không có sự ủng hộ giúp đỡ nào từ bên ngoài.
Những sự kiện thần tốc với thành quả là ngày 2/9/1945, bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã được công bố tại cuộc míttinh với một nửa triệu người tham dự ở Hà Nội, là kết quả tài năng chính trị và ý chí lớn lao của các nhà lãnh đạo Việt Nam, mà trước hết là Hồ Chí Minh.”
Ông cho rằng, Cách mạng tháng Tám đã mở ra con đường đi tới độc lập. Mặc dù ngày 6/3/1946, Pháp buộc phải công nhận nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhưng các giai đoạn đàm phán tiếp theo vào tháng 7,8 cho thấy, sẽ còn phải đấu tranh để giành tự do. Cuộc đối đầu biến thành một cuộc kháng chiến toàn diện kéo dài 8 năm.
Trong giới các chuyên gia Liên Xô, cuộc chiến tranh này có tên gọi là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, còn ở Việt Nam được gọi là cuộc kháng chiến lần thứ nhất. Khát vọng độc lập của nhân dân Việt Nam cuối cùng đã cho phép một quốc gia không lớn, đi đến thắng lợi. Những tổn thất lớn lao, sự phản đối ngày càng tăng của quốc tế nhằm bảo vệ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cuối cùng đã khiến nền Cộng hòa đệ Tứ phải tìm kiếm thỏa hiệp. Ngày 28/10/1953, Quốc hội Pháp kêu gọi cần tìm các giải pháp hòa bình để chấm dứt xung đột.
Tuyển tập này ra đời nhằm mở đầu cho việc làm sáng tỏ các vấn đề lịch sử của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất qua các tài liệu văn kiện, ông Andrey Konstantinovich Sorokin cho hay./.