“Rinh” thực phẩm sạch từ quê, đặt hàng handmade ăn Tết

Vì lo về chất lượng an toàn thực phẩm nhiều mặt hàng, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn cách "rinh" thực phẩm từ quê lên, hay đặt hàng handmade, thậm chí tự làm để có một cái Tết an toàn, đảm bảo.
Gói bánh chưng ăn Tết cho gia đình. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Càng đến gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm càng tăng cao và cũng thời điểm này vấn đề an toàn thực phẩm càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều người tiêu dùng.

Chị Nguyễn Thị Thanh (Định Công, Hoàng Mai) cho biết, những năm trước chị thường về quê ăn Tết, nhưng năm nay chị phải đi trực nên cả nhà quyết định đón Tết tại Thủ đô. Chính vì lẽ này mà đối với chị Thanh, việc lựa chọn thực phẩm sao cho an toàn trong những ngày Tết là một điều không hề dễ.

“Những Tết trước về quê tha hồ đồ sạch để ăn không phải nghĩ, mình làm nghề bác sỹ mình hiểu vấn đề sức khỏe quan trọng như thế nào. Thế nên, từ cuối tuần trước mình đã phải nhờ bố mẹ ở quê gửi ít đồ sạch lên để ăn Tết.

Bố mẹ nhà mình cũng rất kỹ tính trong việc chọn lựa thực phẩm nên toàn đến nhà người quen biết rõ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng mới đặt gà, đặt giò, thậm chí cả rau cũng thế,” chị Thanh chia sẻ.

Không phải ai cũng may mắn có nguồn hàng đảm bảo để được “rinh” từ quê lên ăn Tết, nên nhiều chị em nội trợ cũng lựa chọn cách đặt hàng tự làm (handmade) để có một cái Tết an toàn và đảm bảo sức khỏe.

Chị Lê Thị Ngọc Yến (Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, chị chuyên bán hàng handmade từ nhiều năm nay nên hầu hết các đơn hàng đều là các khách quen. Các hàng Tết khách bắt đầu đặt dồn chủ yếu từ sau ngày Rằm tháng Chạp đến nay, nên đây là thời điểm chị bận rộn nhất.

“Hàng nhà mình do chính tay mình lựa chọn nguồn nguyên liệu, cách chế biến và đóng gói nên rất đảm bảo chất lượng. Cứ cuối năm vào thời điểm này là mình đuối sức luôn vì chạy đơn hàng khách đặt không xuể,” chị Yến vừa thở vừa nói.

Chị cũng cho biết, ngày thường mình có một lớp học trang trí bánh kem các loại và bán các loại bánh mì, bánh con heo… tuy nhiên, những ngày gần Tết chị đành gác lại các món bánh và các lớp học để có thời gian làm các đơn hàng dành cho các món ăn chuyên phục vụ cho ngày Tết như bắp bò ngâm, mứt táo, mứt khế và cookies, bò ướt…

“Dù đã phải nhờ thêm 3 người phụ giúp việc chế biến nhưng hàng lúc nào cũng ‘cháy hết sạch’ nhiều đơn hàng hôm nay mình đành phải khất nợ đến ngày mai giao tiếp chứ không ‘tải’ nổi nữa rồi,” chị Yến vừa lắc đầu vừa hài hước nói.

Không chỉ những mặt hàng như giò, chả, rau thịt mà ngay cả những sản phẩm công nghiệp như mứt, bánh… nhiều người cũng lựa chọn mua hàng hanmade qua người quen để yên tâm về chất lượng.

Nhiều chị em tự làm mứt để ăn Tết vừa ngon vừa đảm bảo chất lượng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Anh Nguyễn Đình Cường (Thanh Trì, Hà Nội) cũng chia sẻ nỗi lo về an toàn thực phẩm ngày Tết vì thấy hàng Tết như bánh chưng, giò chả, thịt lợn, thịt gà, rau xanh, đủ các loại mứt… được bày bán tràn lan khắp nơi, từ chợ, thậm chí vỉa hè nên không biết chất lượng như thế nào.

“Mình cùng mấy nhà hàng xóm đã nghĩ ra cách đặt hàng Tết đảm bảo ngon-bổ-rẻ bằng cách chung nhau đặt một con lợn rừng, lợn thì mình đến tận trại mua, sau đó thuê người thịt và chia nhau, tính ra vừa kinh tế lại vừa chất lượng,” anh Cường nói.

Bên cạnh việc đặt mua, nhiều chị em cũng rất khéo tay đã tự mình làm những món thực phẩm cho ngày Tết ví dụ như gói nem, gói giò, gói bánh chưng, làm mứt Tết… “Đó cũng là một cách để có một cái Tết ấm cúng hơn, an toàn hơn và rất ‘kinh tế,’” chị Nguyễn Thị Hiếu (Huỳnh Thúc Kháng, Ba Đình) bật bí.

Bằng nhiều lựa chọn khác nhau, tuy nhiên người tiêu dùng luôn mong muốn một điều duy nhất đó là làm sao có được nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo để có một cái Tết thật an toàn, thật trọn vẹn bên những người thân yêu. Và dù lựa chọn cách nào thì hãy luôn là một người tiêu dùng thông thái chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có nhãn mác hoặc có uy tín để mua hàng./. 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục