Roscosmos và NASA kéo dài chương trình bay chéo tới Trạm Vũ trụ Quốc tế

Hai bên đã đạt được thỏa thuận tiếp tục các chuyến bay chéo nhằm duy trì độ tin cậy của ISS và đảm bảo sự hiện diện của ít nhất một đại diện Roscosmos và một của NASA.

Tàu vũ trụ Soyuz MS-23 của Nga được phóng lên ISS từ sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, ngày 24/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu vũ trụ Soyuz MS-23 của Nga được phóng lên ISS từ sân bay vũ trụ Baikonur, Kazakhstan, ngày 24/2/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn Vũ trụ Nga Roscosmos và NASA của Mỹ đã nhất trí kéo dài chương trình bay chéo tới Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cho đến hết năm 2025.

Theo thông cáo báo chí được công bố trên trang web của Tập đoàn Nhà nước Nga, hai bên đã đạt được thỏa thuận tiếp tục các chuyến bay chéo "nhằm duy trì độ tin cậy của toàn bộ ISS và đảm bảo sự hiện diện của ít nhất một đại diện Roscosmos trong phân khúc của Nga và sự hiện diện của ít nhất một đại diện của NASA trong phân khúc của Mỹ".

Hồi tháng 9, Giám đốc Điều hành Roscosmos, ông Yuri Borisov, cho biết Tập đoàn Nhà nước Nga và NASA đang chuẩn bị một bổ sung mới cho thỏa thuận về các chuyến bay chéo tới Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Ngày 25/8, hãng tin Interfax dẫn lời ông Sergei Krikalev, Giám đốc Điều hành của Roscosmos phụ trách các chương trình có người lái, cho biết Roscosmos và NASA đã nhất trí về chuyến bay bổ sung của phi hành gia Mỹ tới ISS trên tàu vũ trụ Soyuz MS của Nga.

Trước đó, cổng SpaceNews cho biết Cơ quan Vũ trụ Mỹ NASA bày tỏ hy vọng sẽ tiếp tục hợp tác với Roscosmos sau năm 2028.

Trước đó, ngày 26/10, hai phi hành gia người Nga Oleg Kononenko và Nikolai Chub đã hoàn thành chuyến đi bộ ngoài không gian kéo dài gần 8 giờ đồng hồ bên ngoài ISS.

Các phi hành gia bắt đầu chuyến đi bộ ngoài không gian vào lúc 20 giờ 49 tối 25/10 (theo giờ Moskva, tức 0 giờ 49 sáng 26/10 theo giờ Việt Nam). Hoạt động này kéo dài trong 7 giờ 41 phút.

Nhiệm vụ chính của chuyến đi lần này là ngắt kết nối các mạch thủy lực của thiết bị trao đổi nhiệt, một trong số đó đã bị rò rỉ, khỏi các mạch thủy lực bên ngoài của hệ thống kiểm soát nhiệt của module Nauka.

Họ cũng kiểm tra và chụp ảnh vị trí rò rỉ trên thiết bị tản nhiệt, điều này sẽ giúp các chuyên gia trên Trái Đất xác định nguyên nhân gây ra vụ rò rỉ xảy ra vào ngày 9/10.

Ngoài ra, các phi hành gia cũng lắp đặt radar trên module phòng thí nghiệm đa năng Nauka để theo dõi bề mặt Trái Đất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.