Theo phong tục cổ truyền ngày Tết, nhà nhà đều có bánh chưng, vừa để thờ cúng tổ tiên vừa để ăn Tết. Và lá dong được xem là “phần hồn” không thể thiếu của chiếc bánh chưng ngày Tết. Trong đó, nổi tiếng với nghề trồng lá dong phải kể đến làng Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Tràng Cát nổi tiếng với nghề trồng lá dong
Tại miền Bắc, lá dong Tràng Cát được rất nhiều người biết đến. Nhờ được trồng trên vùng đất bãi bồi của sông Đáy, lá dong Tràng Cát có bầu lá rộng, mỏng nhưng dai, giúp bánh chưng có màu xanh tự nhiên, thơm rền.
Ngôi làng Tràng Cát nằm ở một địa thế đắc địa, ba bề bao quanh bởi sông Đáy. Vùng đất bãi bằng phẳng kéo dài từ bờ sông đến rìa làng hình vòng cung trù mật.
Truyền rằng, cách đây khoảng 600 năm về trước, bà Đàm Sứ ở thôn Nga Mi Hạ, xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, thấy đây là vùng đất tốt tươi cho cây trồng nên đã đưa con cháu xuống khai hoang lập địa, phát cỏ và trồng cây lá dong.
Lâu dần, người dân Tràng Cát học theo bà Đàm Sứ trồng lá dong để dùng trong dịp Tết và bán ra bên ngoài.
Xưa kia, lá dong Tràng Cát thường được tuyển chọn để gói bánh chưng dâng vua. Ngày nay, lá dong Tràng Cát không chỉ phục vụ trong nước mà còn được xuất ngoại để phục vụ bà con người Việt ở nước ngoài.
Nét đặc trưng của lá dong Tràng Cát là khổ lá đều, chiều dài khoảng 50cm-60cm, chiều rộng 25cm-35cm. Không ít người muốn đem giống ấy về trồng ở các vùng lân cận nhưng không đạt được chất lượng như khi trồng ở Tràng Cát.
Theo người dân nơi đây, lá dong Tràng Cát là thứ giống lá dong nếp, bầu lá tròn, mềm, dai, mặt dưới có màu xanh non, cuống lá dài phối sắc với màu thân lá, dễ phân biệt với loài dong rừng.
Dùng lá dong Tràng Cát để gói bánh chưng không chỉ tạo màu xanh đẹp mắt mà còn tăng thêm hương vị cho bánh.
Vẫn theo người dân nơi đây, điều đặc biệt làm nên thương hiệu “lá dong Tràng Cát” là bởi vì Tràng Cát nằm trong vùng bãi bồi của dòng sông Đáy, nơi có mạch nước ngầm tinh khiết chảy qua, lại thêm có khí hậu ôn hòa, nên lá dong cứ được đà mà sinh sôi nảy nở, từ đó mà làm nên thương hiệu lá dong hàng trăm năm nay.
[Chợ lá dong giữa lòng Hà Nội nhộn nhịp mua bán dịp giáp Tết]
Và từ năm 2007, lá dong Tràng Cát đã xuất ngoại phục vụ nhu cầu gói bánh chưng Tết của bà con Việt Nam ở Mỹ, Nga và các nước Đông Âu...
Lá dong “linh hồn” của Tràng Cát
Tại làng Tràng Cát, lá dong được các nhà vườn trồng san sát khắp nơi trong làng, lá dong len trong nhà, trong vườn, lá dong dung dưỡng những cánh đồng bồi bãi với màu xanh bao trùm cả ngôi làng.
Nhà nhỏ trồng một vài sào, nhà lớn trồng tới vài hécta. Chưa ở đâu, sắc xanh của lá dong lại trở thành biểu tượng thiêng liêng trong đời sống cộng đồng đến vậy.
Từ đầu tháng Chạp, không khí thu hoạch, buôn bán lá dong tại thôn Tràng Cát đã trở nên hết sức nhộn nhịp, người thì hái lá, người thì xếp, người thì buộc, mỗi người một công đoạn. Các lái buôn ở khắp nơi đã đổ về đây để mua lá dong.
Theo người dân nơi đây, trồng một lần thì thu hoạch được mãi. Cứ cắt lá cũ đi lá mới lại trồi lên, năm này qua năm khác. Lá dong ở Tràng Cát qua bao năm bao tháng mà không hề mất đi bởi đất bãi nơi đây có đặc điểm là đất phù sa với tỷ lệ hai phần đất cát và một phần đất thịt, tạo điều kiện thuận lợi cho lá dong sinh trưởng và phát triển.
Tuy nhiên, những năm gần đây, diện tích trồng lá dong có xu hướng giảm vì người dân chuyển sang trồng cây ăn quả.
Hiện trong khoảng gần 500 hộ dân ở Tràng Cát thì có khoảng hơn 300 hộ trồng lá dong với diện tích khoảng 25ha.
Nếu tính năng suất ở thời điểm thu hoạch phục vụ Tết Nguyên đán, khoảng 6 vạn lá/sào thì số lượng lá dong cung cấp cho thị trường là rất lớn.
Về Tràng Cát những ngày này, đi đâu cũng bắt gặp cảnh bà con tấp nập kẻ ra người vào, mọi nhân lực đều tập trung hết vào việc thu hoạch và bán lá dong. Hiện càng ngày lá dong càng dễ tiêu thụ hơn và giá cũng tăng cao hơn so với trước đây.
Dù không phải là nguồn thu nhập chính, nhưng lá dong là “linh hồn” của Tràng Cát, là tinh hoa văn hóa của dân tộc Việt Nam. Vì ý nghĩa đó, người dân thôn Tràng Cát vẫn luôn hy vọng màu xanh của lá dong sẽ không bao giờ mất đi mỗi dịp Tết đến, Xuân về./.