Ra mắt bạn đọc nhân kỷ niệm 93 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” đến nay vẫn nhận được sự quan tâm của độc giả Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là cán bộ, đảng viên.
Tiến sỹ Huỳnh Thành Lập, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố khóa XIII, cho rằng cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện tâm huyết của Đảng, tâm huyết của người đứng đầu - đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, giải đáp những trăn trở của cán bộ hưu trí và nhân dân về vận mệnh của đất nước.
Có thể khẳng định, cuốn sách giúp công chúng nhận diện đúng về tham nhũng, tiêu cực và những tác hại; hiểu rõ quá trình nhận thức của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Những kết quả hệ thống chính trị và toàn xã hội đạt được; cơ sở lý luận và thực tiễn trong quá trình tiến hành công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay cũng như thời gian tới.
[Cuốn sách của Tổng Bí thư: Cẩm nang đấu tranh phòng, chống tham nhũng]
Ông Huỳnh Thành Lập cho rằng trong cuốn sách của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ nguồn gốc, bản chất của tham nhũng “tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực;” khẳng định tham nhũng là một hiện tượng xã hội (tiêu cực), khuyết tật bẩm sinh của quyền lực; căn bệnh đồng hành và tồn tại ở các Nhà nước, không phân biệt chế độ chính trị, không của riêng mỗi quốc gia nào.
Những bài viết trong cuốn sách, Tổng Bí thư đã sơ lược đánh giá hiện trạng tham nhũng, tiêu cực ở nước ta thời gian vừa qua; nêu lên nguyên nhân cơ bản của tình trạng tham nhũng, tiêu cực, trong đó, nhấn mạnh đến nguyên nhân chủ quan từ tâm lý lạm quyền và lòng tham, thói ích kỷ; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền…
Tổng Bí thư đã khái quát ý nghĩa, mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay “Mục tiêu của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhằm làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước, để phát triển đất nước.
Đây là cuộc đấu tranh chống “giặc nội xâm,” không phải là cuộc đấu tranh giữa các “phe cánh” hay “đấu đá nội bộ” như có người không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc với động cơ sai, dụng ý xấu;” khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, xu thế không thể đảo ngược”, là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp; “là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn.”
Với giá trị lý luận và thực tiễn của cuốn sách, có thể nói, cuốn sách của Tổng Bí thư tổng kết thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, rút ra những vấn đề có tính lý luận, những bài học kinh nghiệm quý giá.
Đặc biệt sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt toàn diện và đầy sức thuyết phục của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng góp phần làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đảng, Nhà nước phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ. Mọi sự cực đoan, nôn nóng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ không mang lại hiệu quả “đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và phương pháp đúng; không thể chủ quan nóng vội; không né tránh, cầm chừng, thỏa mãn.”
Tâm đắc với giá trị của cuốn sách đối với công tác phòng, chống tiêu cực, nhất là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, ông Huỳnh Thành Lập khẳng định, trước tiên, cuốn sách là “cẩm nang,” sách “gối đầu giường” cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ đảng viên, công chức, viên chức.
Trong tác phẩm của mình, Tổng Bí thư đã khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “một việc làm cần thiết, tất yếu, xu thế không thể đảo ngược.” Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải luôn cảnh giác bởi “quyền lực luôn có nguy cơ bị tha hóa; tham nhũng tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực." Từ đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh “bất cứ ai sử dụng quyền lực đều phải phục vụ nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân và tự giác chịu sự giám sát của nhân dân.”
Những vấn đề đặt ra, hướng giải quyết có giá trị lý luận cũng như thực tiễn đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong cuốn sách giúp chúng ta có nhận thức mới về tham nhũng, tiêu cực, nguy cơ cũng như giải pháp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Từ đó biến quyết tâm chính trị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm đặc biệt ở người đứng đầu.
Cuốn sách của Tổng Bí thư cũng chỉ rõ quá trình tiến hành công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần được triển khai một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, thực hiện đồng bộ các biện pháp với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực, trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài.
Đồng thời, đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ, gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh./.