Sản lượng công nghiệp Nhật lần đầu giảm trong vòng 3 tháng

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng Tám sản lượng công nghiệp của Nhật Bản đi xuống, chủ yếu do hoạt động sản xuất của các lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, máy móc, hóa chất và kim loại sa sút.
Sản lượng công nghiệp Nhật lần đầu giảm trong vòng 3 tháng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: businesstimes.com.sg)

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản ngày 28/12 thông báo sản lượng của các nhà máy Nhật Bản trong tháng 11/2015 giảm 1% so với tháng trước trong bối cảnh kinh tế nước này còn khá trì trệ.

Đây là lần đầu tiên kể từ tháng Tám sản lượng công nghiệp đi xuống, chủ yếu do hoạt động sản xuất của các lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, máy móc, hóa chất và kim loại sa sút.

Trước đó, giới phân tích dự báo con số này chỉ giảm khoảng 0,4%. Bộ trên dự báo sản lượng các nhà máy Nhật Bản sẽ tăng 0,9% trong tháng 12, và tăng tốc lên 6% trong tháng 1/2016.

Số liệu trên được công bố chỉ vài ngày sau khi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này ghi nhận tỷ lệ lạm phát nhích nhẹ trong tháng 11, một kết quả tích cực sau nhiều năm đứng bên bờ vực giảm phát.

Tuy vậy, con số này vẫn cách quá xa mục tiêu lạm phát 2% mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đặt ra, bất chấp giới chức nước này nỗ lực khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư.

Vòng xoáy giá hàng hóa giảm đã diễn ra trong vài năm nhưng người tiêu dùng xứ sở Hoa anh đào vẫn thắt chặt hầu bao để chờ đợi giá cả rẻ hơn, khiến doanh nghiệp hạn chế mở rộng sản xuất và thuê thêm lao động, và ảnh hưởng đến cả nền kinh tế trên diện rộng.

Mặt khác, kinh tế toàn cầu trì trệ, do ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc giảm tốc và các nền kinh tế mới nổi yếu kém cũng là những thách thức lớn đối với sự phục hồi của Nhật Bản.

Tokyo mới đây đã thông qua khoản ngân sách bổ sung nhằm mục tiêu kích thích kinh tế nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.