Theo kết quả khảo sát của hãng tin Reuters được công bố ngày 31/7, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giảm xuống trong tháng Bảy sau khi Saudi Arabia cắt giảm thêm sản lượng theo thỏa thuận mới nhất của OPEC và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, và nguồn cung từ Nigeria bị hạn chế.
OPEC đã sản xuất 27,34 triệu thùng/ngày trong tháng này, giảm 840.000 thùng/ngày so với tháng Sáu và là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.
Như vậy, sản lượng của OPEC vẫn thấp hơn mức mục tiêu gần 1 triệu thùng/ngày, một phần do Nigeria và Angola không thể sản xuất như mức đã thống nhất.
Theo khảo sát, sản lượng của Saudi Arabia đã giảm 860.000 thùng/ngày trong tháng Bảy so với tháng trước đó.
Mức giảm lớn thứ hai là ở Nigeria, nơi tập đoàn năng lượng Shell đã tạm dừng vận chuyển dầu thô Forcados do khả năng rò rỉ ở cảng xuất khẩu này.
Bên cạnh đó, sản lượng tại Libya cũng giảm xuống khi hoạt động ở nhiều mỏ bị đình trệ do biểu tình.
[Nỗi lo nguồn cung khiến giá dầu thế giới chạm mức cao mới]
Trong khuôn khổ thỏa thuận hạn chế nguồn cung mà OPEC+ đạt được hồi tháng Sáu, Saudi Arabia đã cam kết cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy.
Phản ứng với diễn biến này, giá dầu đã bắt đầu khởi sắc, trong đó giá dầu Brent Biển Bắc tăng từ gần 71 USD/thùng hồi cuối tháng Sáu lên hơn 85 USD/thùng.
Quyết định cắt giảm thêm sản lượng nói trên được Saudi Arabia đưa ra bên cạnh các mức cắt giảm tự nguyện trước đó mà nước này và các nước thành viên khác trong nhóm OPEC+ đã công bố, và bổ sung vào mức giảm theo thỏa thuận cuối năm 2022 của nhóm này.
Tuy nhiên, khảo sát của Reuters cho thấy sự gia tăng sản lượng dầu tại Angola và Iraq đã hạn chế mức giảm của OPEC trong tháng Bảy./.