Sản lượng trái cây phục Tết Bính Thân có thể giảm tới 70%

Do mất mùa nên sản lượng trái cây phục vụ thị trường dịp Noel, Tết Nguyên đán 2016 giảm mạnh, nhiều khả năng xảy ra thiếu nguồn cung, giá cả tăng vọt.
Sản lượng trái cây phục Tết Bính Thân có thể giảm tới 70% ảnh 1 Đóng gói bưởi da xanh trước khi xuất bán. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Nhà vườn ở tỉnh Hậu Giang cho biết do mất mùa nên sản lượng trái cây phục vụ thị trường dịp Noel, Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 giảm mạnh. Nhiều khả năng xảy ra thiếu nguồn cung, giá cả tăng vọt.

Nguyên nhân mất mùa là do thời tiết năm nay diễn biến bất thường, lượng mưa giảm nhưng lại kết thúc sớm dẫn đến nhiều vườn cây ăn trái thiếu nước phát triển.

Trong khi đó, nếu như những năm trước đây phần lớn nhà vườn xử lý việc ra trái, cho ra quả trái vụ với tỷ lệ đạt cao thì năm nay ngược lại. Cùng với đó, nhiều vườn cây ăn trái đã già cỗi, sâu bệnh tấn công, thiếu đầu tư chăm sóc, không còn cho trái nhiều như trước.

Theo báo cáo của các địa phương nơi có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất tỉnh như huyện Châu Thành, Châu Thành A, thị xã Ngã Bảy, Phụng Hiệp, Long Mỹ, thì sản lượng trái cây phục thị trường Tết Nguyên đán năm nay giảm từ 50-70%, tùy theo loại. Trong đó, nhiều loại trái cây có khả năng xảy ra thiếu nguồn cung như bưởi Năm Roi, bưởi tạo mẫu Hồ Lô, bàn tay phật, bưởi hình bản đồ Việt Nam; xoài cát Hòa Lộc, quýt đường Long Trị, cam sành...

Chị Lê Thị Tuyết, thương lái thu mua trái cây tại huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang cho biết, do sản lượng trái cây giảm nên giá trái cây năm nay khá ổn định. Hiện bưởi Năm Roi giá dao động từ 25.000-30.000 đồng/kg, xoài cát Hòa Lộc 35.000 đồng, quýt đường Long Trị 25.000-30.000 đồng, cam sành từ 20.000-25.000 đồng/kg.

Riêng các loại bưởi tạo mẫu, tuy chưa đến ngày cận Tết, nhưng nhiều đầu mối ngoài tỉnh tìm đến nhà vườn đạt hàng với giá cao, trung bình mỗi cặp bưởi có giá từ 300.000-2 triệu đồng, nhưng không đủ nguồn để đặt hàng.

Xác định trồng cây ăn trái bán vào dịp Tết cho lợi nhuận khá cao, nên những năm qua nhà vườn tỉnh này luôn tìm tòi, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, như kích thích cây ra hoa trái vụ, tạo mẫu trái cây bán trưng, thờ, cúng mang tính tâm linh.

Theo tính toán của nhà vườn, lợi nhuận trái cây bán vào dịp Tết tăng gấp 2-3 lần so với bán ngày thường, mỗi nhà vườn cho thu nhập từ 150-500 triệu đồng/ha, tùy theo loại trái cây.

Hậu Giang có diện tích vườn cây ăn trái hơn 33.000ha; trong đó cây có múi chiếm gần 50% diện tích, với sản lượng cung cấp cho thị trường hàng năm hơn 265.000 tấn. Tuy hiện nay đầu ra, giá cả các loại trái cây ở địa phương này chưa ổn định nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp nhiều lần so với trồng lúa, giúp nhiều gia đình ổn định cuộc sống, vươn lên khấm khá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục