Sau khi thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT (Hiệp định đối tác tự nguyện và tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng, thương mại gỗ), kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam sang thị trường Liên minh châu Âu có thể đạt mức trên 1 tỷ USD/năm.
Đây là nhận định của ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam tại Hội thảo tham vấn quốc gia về Hiệp định VPA/FLEGT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với đại diện EU tổ chức ngày hôm nay (18/4,) tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam vào EU hiện vẫn không lớn. Cụ thể, năm 2010 chỉ đạt khoảng 626,8 triệu USD; năm 2011 giảm xuống chỉ còn 594,1%; năm 2012 cũng chỉ đạt khoảng 634,6 triệu USD và chỉ chiếm khoảng 15% so với tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ.
Một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam sang EU khó đạt mức cao là bởi thị trường này có rất nhiều quy định chặt chẽ về nguồn gốc sản phẩm, cũng như chất lượng.
"Do đó, để mở rộng đường tiến vào các thị trường lớn như EU, doanh nghiệp phải quan tâm đến nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đồng thời phải chấp hành tốt các quy định pháp luật và đảm bảo hồ sơ xuất khẩu hợp lệ cũng như đánh giá cấp chứng chỉ hệ thống quản trị như: ISO, SA, CoC… và phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế," ông Nguyễn Tôn Quyền nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn Hà Công Tuấn cho biết, mục đích của việc đàm phán Hiệp định VPA là để hai bên đạt được một thỏa thuận hợp tác đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường EU có nguồn gốc hợp pháp thông qua quy trình cấp phép FLEGT của Việt Nam.
Hiệp định VPA cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam mở rộng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường EU và tăng khả năng thích ứng với yêu cầu thay đổi của thị trường EU.
"Thông qua việc đàm phán Hiệp định VPA, Việt Nam đã và đang thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, người dân và các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam trong cuộc chiến chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp trên toàn cầu,” Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Tham dự hội thảo, Tiến sỹ Franz Jessen, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn EU tại Việt khẳng định EU tin rằng thành công của đàm phán VPA giữa EU và Việt Nam sẽ góp phần tăng cường quá trình cải cách thể chế trong lĩnh vực lâm nghiệp, thực thi pháp luật và nâng cao hình ảnh quốc gia cũng như thương hiệu của ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam./.
Hiệp định VPA/FLEGT là Hiệp định đối tác song phương mang tính pháp lý giữa EU và quốc gia đối tác xuất khẩu gỗ. Khi tham gia Hiệp định này, các quốc gia đối tác thống nhất chỉ xuất khẩu vào EU gỗ và các sản phẩm gỗ được xác minh hợp pháp.
Việt Nam đã chính thức đàm phán Hiệp định đối tác VPA/FLEGT với EU từ tháng 11/2010. Ba năm qua, hai bên đã nhất trí được nhiều nội dung quan trọng của Hiệp định như: Cấu trúc Hiệp định, khuôn khổ định nghĩa gỗ hợp pháp, hệ thống xác minh và hệ thống cấp phép FLEGT, tổ chức Hiệp định sau khi ký kết.