Sản phẩm OCOP: Giữ bản sắc để nâng tầm giá trị đặc sản vùng miền địa phương

Theo ông Hoàng Hoa Quân, đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, khách du lịch có xu hướng tự tìm tour trên các ứng dụng trực tuyến và thích khám phá các vùng quê, đây là cơ hội cho các sản phẩm OCOP.

Cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Chương trình OCOP đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế của tỉnh và thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, tập trung.

Tuy vậy, do thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu dẫn đến năng suất, chất lượng, số lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế nên việc triển khai chương trình chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP chưa được như mong muốn.

Đây cũng là nội dung chính được thảo luận tại Hội nghị: “Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP,” do Vụ Thị trường Trong nước (Bộ Công Thương) phối hợp với Tạp chí Công Thương tổ chức sáng 5/12, tại Hà Nội.

Hơn 10.000 sản phẩm từ 3 sao trở lên

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Bên cạnh đó, đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước cho hay bước đầu, các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của địa phương, vùng miền đã được kết nối vào hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước và đưa vào tất cả các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn cả nước như Go!, MM Mega Market, Saigon Co.op, Winmart, Winmart+…

Bên cạnh đó, các Tập đoàn phân phối lớn như Central Retail, AEON, Saigon Co.op đã phối hợp với Bộ Công Thương, đồng hành cùng các địa phương tổ chức các sự kiện kết nối, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại hệ thống siêu thị như: Tuần lễ OCOP tại Big C, Hội chợ kết nối sản phẩm OCOP tại hệ thống trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị AEON, Tuần lễ Quảng bá nông sản hàng OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tại hệ thống Saigon Co.op…

Ngoài ra, tại các trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc, tại các khu vực bán hàng tại các sân bay, khu du lịch đã có các khu vực, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững, phục vụ phát triển ngành du lịch, tạo dựng thương hiệu cho địa phương.

Tuy vậy, theo đại diện Vụ Thị trường Trong nước, việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP còn những khó khăn, hạn chế nhất định, như sản phẩm chế biến còn ít, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ cơ sở, kinh doanh còn thấp… Vì vậy, chưa phát huy được hết giá trị của sản phẩm, cũng như lan tỏa các sản phẩm đặc trưng vùng miền của địa phương tới nhiều khu vực thị trường.

img-3407-7422.jpg
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Còn theo ông Hoàng Hoa Quân, Phó trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hiện nay, khách du lịch có xu hướng tự tìm tour trên các ứng dụng trực tuyến và thích khám phá các vùng quê, đây là cơ hội cho các sản phẩm OCOP.

Song ông nhấn mạnh, khách du lịch cần có được trải nghiệm và chứng kiến cách làm các sản phẩm đặc trưng vùng miền của địa phương. Do vậy, dù cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP nhưng các điểm tập trung sản phẩm OCOP chưa nhiều, điểm phục vụ khách du lịch lại càng hiếm.

“Không nhất thiết tiêu chuẩn của các điểm du lịch kết hợp OCOP phải quy định như của Big C, AEON nhưng phải đủ điều kiện hạ tầng cho công ty du lịch đến, cũng như tập hợp đa dạng sản phẩm OCOP...,” ông Hoàng Hoa Quân nói.

Chú trọng chất lượng, tận dụng cơ hội thị trường

Hiện nay, nhờ kết hợp với du lịch, nhiều địa phương đã thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP đã bước đầu được đưa lên trên các kênh Thương mại điện tử mua sắm trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki, Vỏ Sò, Postmart, trên nền tảng TikTok…

Ông Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Trung tâm kinh doanh phân phối, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thông tin, đơn vị đã hợp tác với đối tác của Trung Quốc để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP và nông sản tại thị trường này.

Tuy nhiên, qua kinh nghiệm thực tế, ông cũng cho rằng, để hướng về thị trường quốc tế, đẩy mạnh tiêu thụ, thì các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP cần quan tâm về bao bì, mẫu mã của sản phẩm, đồng thời, sẵn sàng nguồn cung khi khách hàng có nhu cầu lớn.

Còn theo bà Nguyễn Phương Nguyên, Giám đốc Công ty alibaba.com khuyến nghị các doanh nghiệp, nếu thị trường nội địa đang gặp khó thì doanh nghiệp có thể thông qua Thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu.

Đại diện đơn vị này khẳng định có thể hỗ trợ cho các nhà sản xuất sản phẩm OCOP các dữ liệu thị trường và ngành hàng hữu ích, qua đó phát triển hiệu quả các kênh phân phối. Ngoài ra, đơn vị cũng có những chương trình đào tạo riêng, hỗ trợ cho sản phẩm OCOP để đưa hàng của Việt Nam ra quốc tế.

Thực tế, các tiêu chuẩn cao của các siêu thị, kênh bán lẻ hiện đại cũng là rào cản đối với việc tiêu thụ các sản phẩm OCOP tại kênh phân phối này, vì vậy, ông Nguyễn Anh Phương, Trưởng điều hành Vùng miền Bắc, Công ty MM Mega Market Việt Nam cho rằng, để đưa sản phẩm này vào nhiều hơn hệ thống của doanh nghiệp, các nhà sản xuất sản phẩm OCOP cần lựa chọn nhà phân phối phù hợp để có thể tiếp cận các khách hàng tiềm năng. Đối với các sản phẩm có số lượng hữu hạn cần định hướng vào đối tượng cụ thể, không nhất thiết phải quá rộng, ở những thị trường rất xa, để có thể đảm bảo chất lượng sản phẩm..

“Không nhất thiết phải bán tại nhiều nơi do qui trình vận chuyển xa, điều này sẽ không hiệu quả mà chỉ khi khối lượng và quy mô tăng lên thì sẽ có những cam kết lớn hơn, cách làm hiệu quả hơn,” ông khuyến nghị.

img-3388-6270.jpg
Người tiêu dùng quan tâm nhiều tới các sản phẩm đặc sản vùng miền. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP, bà Nguyễn Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại Điển tử và Kinh tế Số (Bộ Công Thương) cho biết đơn vị đã và đang đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ với sự kết nối của các sàn Thương mại điện tử và đối tác công nghệ nhằm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã giải pháp về marketing, logistics và đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn, cũng như rút ngắn thời gian và khoảng cách tiếp cận công nghệ

Bà cũng khuyến nghị các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP tập trung nâng cao công tác tiếp thị, bao gói các sản phẩm, hình ảnh sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời tận dụng sự hỗ trợ của đối tác, các sàn Thương mại điện đẩy mạnh việc tiếp cận thị trường, tối ưu hóa việc tiêu thụ sản phẩm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.