Sản phẩm tỏi An Thịnh được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý

Tỏi An Thịnh có củ to đều, nhánh mẩy, bóng và gần như không có sâu bệnh nên giữ được hương vị thơm nồng, cay, chất tinh dầu đậm đặc hơn các loại tỏi khác.
Sản phẩm tỏi An Thịnh, xã An Thịnh, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Ngày 11/9, tại huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh), Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Ninh công bố Quyết định và trao Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý tỏi An Thịnh cho Ủy ban Nhân dân huyện Lương Tài.

Đây là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh và là một trong 84 sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý của cả nước.

Tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Đinh Hữu Phí cho biết, để thương hiệu tỏi An Thịnh phát triển bền vững, huyện Lương Tài cần triển khai các biện pháp như xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện đúng quy chế quản lý; dán tem nhãn mác; đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng đúng như chỉ dẫn địa lý đã quy định.

Theo ông Phí, việc đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý tỏi An Thịnh đã khó nhưng việc bảo vệ chứng nhận còn khó hơn, do vậy cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tỉnh Bắc Ninh cũng như bà con nông dân đang trực tiếp sản xuất để tỏi An Thịnh khi lưu thông trên thị trường đảm bảo được uy tín như đã được khẳng định.

[Quảng Ngãi: Sản phẩm tỏi Lý Sơn được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý]

Ông Đào Quang Khải, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, nhấn mạnh, tỏi An Thịnh được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là niềm tự hào của tỉnh; đồng thời cũng gắn trách nhiệm giữ gìn và quảng bá chất lượng sản phẩm của các cấp chính quyền, các nhà quản lý và nhân dân huyện Lương Tài.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh yêu cầu huyện Lương Tài đẩy mạnh công tác quảng bá, quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nhằm nâng cao chất lượng của tỏi An Thịnh; tránh bị chiếm dụng, lạm dụng hoặc giả mạo thương hiệu của sản phẩm, giúp người tiêu dùng nhận biết, tiếp cận dễ dàng và lựa chọn đúng sản phẩm chất lượng.

Bên cạnh đó, huyện cần tập trung phát triển sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tỏi An Thịnh nhằm nâng cao thu nhập cho người dân; rà soát quy hoạch phát triển, mở rộng vùng sản xuất, gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Thịnh Nguyễn Văn Dĩ, tỏi là cây vụ Đông chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân địa phương.

Hiện tại, vào vụ Đông hằng năm xã An Thịnh trồng từ 80-100 ha tỏi. Tỏi An Thịnh có củ to đều, nhánh mẩy, bóng và gần như không có sâu bệnh nên giữ được hương vị thơm nồng, cay, chất tinh dầu đậm đặc hơn các loại tỏi khác.

Để tỏi An Thịnh được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, các ngành chức năng đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ phục vụ xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm tỏi; nghiên cứu, đánh giá xác định, thành lập tổ chức đứng tên đăng ký chỉ dẫn địa lý; phân tích các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và xây dựng bộ tiêu chí sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý; đồng thời nghiên cứu các yếu tố tự nhiên tạo nên tính đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tỏi An Thịnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục