Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành văn bản số 465/BVHTTDL-TCDL về việc Hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế trong giai đoạn 2 đến ngày 14/3/2022. Theo đó, phạm vi đón khách là thông qua các chuyến bay thuê chuyến hoặc thương mại quốc tế thường lệ.
Các địa phương căn cứ nhu cầu và các điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương, chủ động quyết định việc đón khách du lịch quốc tế và thông báo về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Theo đánh giá từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), việc thí điểm đón khách quốc tế đến nước ta thời gian qua được thực hiện bài bản, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách với các loại hình hấp dẫn như du lịch thể thao, giải trí sôi động, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái tại những điểm đến nổi tiếng của Việt Nam.
Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã công bố dữ liệu phân tích từ công cụ Google Destination Insights cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh, nhất là về hàng không.
Không chỉ thúc đẩy thị trường du lịch khởi sắc, việc thí điểm đón khách quốc tế cũng đã giúp các địa phương tích cực chuẩn bị nguồn lực, tích lũy kinh nghiệm để sẵn sàng cho việc mở rộng quy mô đón khách, sớm phục hồi du lịch.
Từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (tháng 11/2021 đến ngày 8/2/2022), Việt Nam đã đón được hơn 8.900 khách du lịch quốc tế.
Việc Chính phủ đồng ý với đề xuất mở cửa hoàn toàn ngành du lịch từ ngày 15/3/2022 tạo cơ hội tích cực cho các địa phương và doanh nghiệp du lịch phục hồi toàn diện.
Nhiều địa phương có lợi thế trong việc thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế như Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định… đã chủ động xây dựng kế hoạch mở cửa.
Với thị trường nội địa, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cả nước đã đón và phục vụ khoảng 6,1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 32 triệu lượt khách lưu trú; tổng thu du lịch đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, mở ra triển vọng đầy tích cực cho sự phục hồi của thị trường du lịch trong nước.
[Du lịch Việt Nam: Chính sách thị thực giai đoạn mới sẽ thế nào?]
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có văn bản số 497/BVHTTDL-VHCS về việc tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trong điều kiện bình thường mới.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ kết quả đánh giá cấp độ dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại mỗi địa phương, khu vực để xây dựng và tổ chức triển khai và hướng dẫn các điều kiện đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch trước khi tổ chức hoạt động trở lại dịch vụ karaoke, vũ trường.
Các địa phương cần yêu cầu các chủ cơ sở kinh doanh tuân thủ nghiêm hướng dẫn về các biện pháp vệ sinh phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường (khử khuẩn, thông khí...).
Đối với người tham gia dịch vụ cần thực hiện nghiêm 5K, tiêm vaccine phòng COVID-19 đủ liều, không cung cấp dịch vụ cho người đang có triệu chứng mắc COVID-19 (ho, sốt...).
Các cơ sở cũng cần xây dựng kế hoạch dự phòng với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong khu vực cung cấp dịch vụ để khoanh vùng gọn, không để lây lan ra cộng đồng (nếu ghi nhận ổ dịch).../.