Sức nóng về tín chỉ carbon đang tăng dần với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Cơ chế điều chỉnh carbon qua biên giới (CBAM) do Liên minh châu Âu (EU) thông báo thực hiện từ cuối năm 2022 được ví như “phát súng lệnh” báo hiệu cuộc đua Xanh trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt là đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN và xếp thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU.
Theo đó, kể từ ngày 1/10/2023, cơ chế này được EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Có thể coi “sân chơi” CBAM đã định hình từ tháng 10 này với những “luật chơi” rõ ràng, nghiêm túc và không thể đảo ngược.
CBAM sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU, dựa trên mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại quốc gia xuất xứ hàng hóa. Khi những ưu thế truyền thống về nhân công sẵn có, nguyên vật liệu rẻ không còn là yếu tố tiên quyết thì việc doanh nghiệp Việt Nam chủ động tìm hiểu thông tin, cải thiện quy trình sản xuất để nhanh chóng đáp ứng các tiêu chuẩn hàng rào thuế carbon những thị trường lớn, đạt được lợi thế cạnh tranh mới đóng vai trò quyết định cho cuộc đua mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Một cách hiện hữu, CBAM trước tiên sẽ ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu và bán lẻ lớn của Việt Nam, đặc biệt là các nhà sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm có lượng khí thải carbon cao. Châu Âu là khu vực thương mại đầu tiên trên thế giới đánh thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây được xem là một yếu tố trụ cột trong chính sách của EU về khí hậu nhằm khuyến khích các đối tác thương mại khử carbon trong lĩnh vực sản xuất.
Có thể khẳng định Cơ chế CBAM không phải là điều quá mới mẻ, nó là một phần thuộc Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal – EGD) được khởi động năm 2019, từ trước khi bùng phát đại dịch COVID-19, nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường.
Với Việt Nam, cách đây hơn 10 năm, Nghị quyết 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã được ban hành nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được quan tâm, chú trọng hơn. Có tới 6 Nghị quyết tiếp theo đã được ban hành, hoàn thiện thêm một bước đáng kể về thể chế, chính sách với những tư duy mới, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng của thời đại.
Tuy vậy, bối cảnh thế giới và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi, đòi hỏi sự thích ứng mới của cả khâu ban hành thể chế, chính sách và khâu nhận thức, hành động của doanh nghiệp.
Dĩ bất biến, ứng vạn biến
Trong bối cảnh sân chơi toàn cầu đã biến chuyển, với các doanh nghiệp Việt có định hướng xuất khẩu, nguy cơ hiện hữu là khó khăn trong xuất khẩu vào thị trường EU. Đây không chỉ là thách thức đối với những doanh nghiệp chưa từng xuất khẩu sang EU mà còn là thách thức với cả những doanh nghiệp từng có kinh nghiệm tại thị trường này, bởi vì các tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vốn đã quen thuộc đang thay đổi, bổ sung theo hướng yêu cầu cao hơn.
Không thể không nhìn thẳng vào sự thật là hiểu biết của doanh nghiệp Việt Nam về các tiêu chuẩn Xanh của EU vẫn còn khá hạn chế. Theo một khảo sát của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) năm 2022, tỷ lệ doanh nghiệp được khảo sát nắm rõ nội dung về cơ chế CBAM chỉ đạt khoảng 11%, và có tới 53% doanh nghiệp không biết về nội dung này, còn khoảng 36% doanh nghiệp có “nghe nhưng không nắm rõ.”
Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp có trụ sở tại châu Âu và Mỹ lại rất chủ động trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn cao này. Với doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn còn tâm lý e ngại, hoặc chưa đủ nguồn lực để tiến hành chuyển đổi sang sản xuất Xanh, vốn là một quá trình đòi hỏi nguồn tài chính lớn và áp dụng nhiều công nghệ cao.
Theo thông tin từ trang europa.eu, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với 6 loại hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro… Nhóm hàng hóa này hiện chiếm 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào EU sẽ phải báo cáo lượng khí thải khi sản xuất hàng hóa, nếu vượt quá tiêu chuẩn sẽ phải mua chứng chỉ khí thải theo mức giá carbon hiện nay tại EU.
Theo các báo cáo, Việt Nam là đối tác lớn nhất của EU ở khu vực Đông Nam Á. Trong giao dịch thương mại giữa hai bên, EU xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu các sản phẩm công nghệ cao như máy móc, xe cộ, các mặt hàng thuộc về y tế, hóa chất. Ngược lại, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu chủ yếu là nông sản, đồ gỗ, hàng may mặc và các sản phẩm điện tử được lắp ráp tại Việt Nam.
Các nhà nhập khẩu châu Âu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu vượt quá tiêu chuẩn của châu Âu thì doanh nghiệp đó bắt buộc phải mua chứng chỉ khí thải theo mức giá carbon hiện nay tại châu Âu. Chi phí phát sinh này khiến giá thành của mặt hàng đó giảm sức cạnh tranh.
Tựu chung, CBAM sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất ở các nước đang phát triển khó cạnh tranh hơn ở thị trường châu Âu khi giờ đây, giá cả hàng hóa của họ sau khi bị đánh thuế phát thải, không rẻ hơn bao nhiêu so với hàng hóa do các doanh nghiệp châu Âu sản xuất.
Bởi vậy, về phần Việt Nam, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp Việt cần thực hiện các bước để giảm lượng khí thải carbon ngay trong quá trình sản xuất.
Xu thế tất yếu của thế giới
Một trong những cam kết quan trọng mà Việt Nam khẳng định trước cộng đồng quốc tế là cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị các Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) vào tháng 11/2021 về việc cắt giảm khí thải nhà kính. Với cam kết này, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong hiện thực hóa các cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu.
Trước tình hình biến đổi khí hậu, “Xanh hóa nền kinh tế” đang là xu thế tất yếu của thế giới và của cả nước, các doanh nghiệp thương mại nếu muốn đáp ứng được tiêu chí của thị trường nước ngoài, sẽ phải chọn lọc các đối tác cung ứng có công nghệ thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, để hiện thực cam kết, Chính phủ Việt Nam ban hành hàng loạtvăn bản nhằm tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước với các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau cũng tương thích với chính sách được ban hành.
Theo dự thảo Đề án "Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam" của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2025, Việt Nam sẽ triển khai thí điểm và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Thị trường carbon được xem là giải pháp và chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero cho Việt Nam thời gian tới. Thị trường vận hành theo nguyên tắc "người gây ô nhiễm" phải trả mức phí bù đắp cho lượng phát thải ra môi trường thông qua việc mua bán và trao đổi tín chỉ carbon. Nhà nước thu được ngân sách khi áp dụng thu phí từ hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai.
Theo Trung tâm Truyền thông Tài nguyên Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), các tác động của biến đổi khí hậu đã khiến Việt Nam bị thiệt hại khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP. Đáng chú ý, Việt Nam đã tăng lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người lên gấp 4 lần trong thế kỷ này và đang duy trì tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới. Thực trạng này thúc đẩy Việt Nam phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ để bảo vệ môi trường.
Tham gia thị trường carbon là trách nhiệm cũng là cơ hội cho các tổ chức, doanh nghiệp. Thị trường tuân theo quy tắc "thuận mua-vừa bán," Nhà nước thu được nguồn ngân sách khi áp dụng thu phí từ hoạt động trao đổi hạn ngạch, tín chỉ carbon hay thuế carbon trong tương lai. Những khoản phí này sẽ được tái tạo cho các dự án, công trình nghiên cứu về giảm phát thải, hấp thụ, lưu giữ carbon… Trong khi đó, bên bán carbon được hưởng lợi do những đơn vị thực hiện tốt giải pháp môi trường, bên mua cũng sẽ bù đắp được lượng phát thải quá hạn ngạch cho phép. Qua đó, các nỗ lực về giải pháp giảm phát thải, hấp thụ carbon, giải pháp xanh được áp dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Một điều đáng mừng là đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có nhiều chính sách tài chính nổi bật về thuế, phí và các công cụ kinh tế để giúp các doanh nghiệp phát triển sản xuất Xanh. Có thể kể đến Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 quy định về mức thuế suất đảm bảo nguyên tắc "tài nguyên không có khả năng tái tạo" thì áp dụng mức thuế suất cao; "tài nguyên có khả năng tái tạo" thì áp dụng mức thuế suất thấp.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; ban hành Quyết định 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt Đề án Phát triển ngân hàng Xanh tại Việt Nam; ban hành chính sách tín dụng ưu đãi về lãi suất, hỗ trợ lãi suất, ưu đãi tài sản bảo đảm đối với khách hàng thực hiện các dự án nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; triển khai các chương trình cho vay trồng rừng sản xuất; triển khai các chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở phòng, chống biến đổi khí hậu, các chương trình giảm ô nhiễm môi trường.
Với việc thực hiện những chính sách ưu đãi trên, Việt Nam đã được xếp vào nhóm thứ 2 các quốc gia có sự tiến bộ đáng kể trong tiến trình phát triển bền vững tại Báo cáo Đánh giá tiến bộ quốc gia giai đoạn 2020-2021 của Mạng lưới tài chính và ngân hàng bền vững (SBFN); xếp thứ hạng cao so với các nước châu Á và toàn cầu trong các chính sách liên quan đến đóng góp quốc gia tự quyết.
“Đã qua sông phải lụy đò”
Sau tất cả những sự hỗ trợ mạnh mẽ của hành lang pháp lý và khuyến khích về tài chính, điều quan trọng nhất với doanh nghiệp Việt là cần vượt qua tâm lý e ngại “luật chơi" CBAM hay tín chỉ carbon.
Cần nhớ về câu chuyện trước khi chúng ta gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, với những tâm lý lo ngại rằng tư cách thành viên có thể giúp Việt Nam thu được lợi ích gì từ thương mại quốc tế, hỗ trợ cho những nỗ lực giảm nghèo của Việt Nam, hay những đòi hỏi quá mức của các nước giàu về tự do hóa nhập khẩu và đầu tư nước ngoài có thể cản trở mục tiêu ấy và ảnh hưởng đến sinh kế, nhất là ở khu vực nông thôn?
Sau 17 năm, câu trả lời đã rõ cho những hồ nghi rằng chúng ta sẽ “cưỡi trên lưng hổ” khi gia nhập WTO. Vào thời điểm bước ngoặt năm 2006, cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan - “kiến trúc sư” cho giai đoạn hội nhập quốc tế đầy ngoạn mục của Việt Nam - từng viết: “Trên thực tế, chúng ta muốn qua sông thì phải lụy đò… Gia nhập được WTO có nghĩa là ta đã qua được sông. Vậy ở bờ bên kia cái gì đang chờ đón chúng ta? Điều ai cũng biết là có cả những cơ hội lẫn thách thức…”
Khi “phát súng lệnh” CBAM đã nổ, chúng ta không thể “quay xe" trong cuộc đua. Không chỉ là sự hiểu biết về một sân chơi quy mô trong chuỗi cung ứng toàn cầu, với tâm thế và bản lĩnh mới, việc đáp ứng các tiêu chuẩn CBAM và triển khai tín chỉ Carbon còn là lời khẳng định cho niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, các đối tác và tổ chức quốc tế vào một tương lai của đất nước Việt Nam./.