Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5/2020 của Thành phố Hồ Chí Minh tăng 7,9% so với tháng 4 và giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Điều này cho thấy,, tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 5 của thành phố đã cải thiện và khởi sắc hơn so với tháng trước, nhưng vẫn giảm so với cùng kỳ năm trước do tình hình dịch COVID-19 chưa được khống chế tại nhiều quốc gia đối tác thương mại lớn của Việt Nam.
Còn tính chung 5 tháng đầu năm 2020, chỉ số IIP trên địa bàn thành phố giảm 7,2% so cùng kỳ năm 2019, trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm có chỉ số IIP 5 tháng đầu năm 2020 giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng hơn 4,5 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của toàn ngành công nghiệp.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến chỉ số IIP 5 tháng giảm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện sở, ngành cho rằng, do chỉ số tiêu thụ một số ngành như chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng đầu năm 2020 giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, một số ngành còn có mức tiêu thụ giảm mạnh so với cùng kỳ như sản xuất kim loại; các sản phẫm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); máy móc thiết bị khác; thiết bị điện...
Ngoài ra, đối với công nghiệp chế biến, chế tạo còn có một số ngành có chỉ số tồn kho cao, gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo khác có chỉ số tồn kho tăng 176,3%; thiết bị điện (tăng 84,4%); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất (tăng 67,2%); sản xuất kim loại (tăng 43,3%); xe có động cơ (tăng 40,5%).
Trong tháng 5/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 3.384,2 triệu USD, tăng 10% so tháng trước.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 16.962,0 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, trong tháng này chỉ có một số mặt hàng xuất khẩu duy trì mức tăng so với tháng trước như gạo tăng 47,7%; dầu thô tăng 30,6%; cao su tăng 8,4%; hàng thủy sản tăng 2,4%...
Còn hầu hết mặt hàng xuất khẩu trong tháng 5 đều giảm so với tháng trước, do nhiều đối tác thương mại lớn chưa được kiểm soát được đại dịch nên dẫn đến trình trạng giãn, hoãn, hủy các đơn hàng.
[TP. HCM khơi thông thị trường tạo động lực phục hồi sản xuất]
Về thị trường thị trường xuất khẩu hàng hóa, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh và kim ngạch xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 3,971 tỷ USD, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 25,7% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp theo, có thể kể đến những thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản.
Đối với những thị trường mà Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA), ông Nguyễn Phương Đông đánh giá giá trị xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2020 nhìn chung có xu hướng giảm.
Đơn cử, xuất khẩu sang thị trường châu Âu có Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), nhưng trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 1.847,3 triệu USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 11,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Theo doanh nghiệp trong khu công nghệ cao, bắt đầu từ cuối tháng 4, đa số đơn vị sản xuất đều tiếp tục thực hiện mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh, ổn định trạng thái bình thường mới cho người lao động.
Chính vì vậy, trong tháng 5, giá trị sản xuất sản phẩm công nghê cao của khu công nghệ cao đạt 1.609,9 triệu USD, tăng 5,38% so với cùng kỳ, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 1.526,4 triệu USD, tăng 10,7% và giá trị nhập khẩu đạt 1.107,5 triệu USD, giảm 28,59%.
Những con số này được cho là tín hiệu tích cực trong bối cảnh sản xuất công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh đang gặp nhiều thách thức không nhỏ để duy trị hoạt động cho doanh nghiệp
Còn báo cáo của Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới sẽ luôn nâng cao cảnh giác khi dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc giá, chưa có vắcxin và phối hợp với đơn vị chuyên ngành theo dõi kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết khó khăn.
Khu công nghệ cao cũng tiếp tục triển khai hoạt động ươm tạo, thương mại hóa sản phẩm, đào tạo... cho doanh nghiệp./.