Sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, nhái đều vi phạm quyền SHTT

Bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ không chỉ nhằm bảo vệ nhà sản xuất mà còn là cơ chế bảo đảm sự công bằng thúc đẩy hoạt động sáng tạo, bảo đảm nền thương mại bình đẳng trên nguyên tắc cạnh tranh.
Sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, nhái đều vi phạm quyền SHTT ảnh 1Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa trong siêu thị CoopMart ở Bắc Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

 Bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ không chỉ nhằm bảo vệ nhà sản xuất mà còn là cơ chế bảo đảm sự công bằng thúc đẩy hoạt động sáng tạo, bảo đảm nền thương mại bình đẳng trên nguyên tắc cạnh tranh lành mạnh

Bên lề buổi tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ do Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đội Chống hàng giả và xâm phạm Sở hữu trí tuệ (PC46), Công an Thành phố Hà Nội tổ chức, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Toàn, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng tiêu hủy để nâng cao vai trò của chủ thể quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

- Xin ông đánh giá về việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, khi nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chưa kiên quyết và chưa đủ sức răn đe?

Ông Phạm Văn Toàn: Đúng là việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ chưa có chế tài mạnh, hay chưa được giải quyết thấu đáo nhưng đứng trên khía cạnh từng biện pháp để đánh giá, thì không phải có chế tài mạnh mà những người vi phạm từ bỏ hành vi vi phạm.

Trong nhiều lĩnh vực, việc xử phạt nhiều tỷ đồng hay xử lý hình sự nhưng vẫn có vi phạm do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do nhận thức pháp luật và điều kiện kinh tế-xã hội Việt Nam.

Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện chức năng thanh tra để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó có hành vi giả mạo nhãn hiệu.

Để có buổi tiêu hủy và xử lý tang vật diễn ra ngày 21/10, Thanh tra Bộ nhận được đề nghị của chủ sở hữu các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới gồm “Louis Vuitton,” “Hermes” hay “Dior.”

Qua điều tra, khảo sát các chủ sở hữu phát hiện trên thị trường Việt Nam hiện đang bày bán nhiều sản phẩm giả mạo nhãn hiệu của họ. Do đó, khi nhận được yêu cầu của chủ sở hữu, Thanh tra Bộ phối hợp với PC46, Công an Hà Nội để điều tra xác minh và kết quả đã tiến hành xử lý đối với các đơn vị có hành vi sản xuất và buôn bán hàng hóa gắn nhãn hiệu giả mạo.

Thanh tra Bộ cùng cơ quan chức năng đã phát hiện cơ sở sản xuất có quy mô lớn tại Phú Xuyên, Hà Nội, ngoài ra còn có 2 cửa hàng trên phố bày bán sản phẩm giả mạo này. Thanh tra Bộ đã áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền và áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung, đó là tịch thu tang vật và yêu cầu nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do hành vi buôn bán hàng giả mà có.

Trước khi ra quyết định xử phạt hành chính, Thanh tra Bộ đã chuyển hồ sơ để Công an Hà Nội điều tra, xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Nhưng do tính chất của hành vi cũng như yếu tố lỗi, Cơ quan điều tra đã xác định không đủ yếu tố để xử lý hình sự mà chuyển xử phạt hành chính theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Thực tế, những vụ việc vi phạm sau khi được giải quyết, đối tượng vi phạm không có hành vi tái phạm, có thể nói đó là thành công mà biện pháp hành chính mang lại.

- Theo đánh giá của Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, những mặt hàng nào bị làm giả nhiều nhất, thưa ông?

Ông Phạm Văn Toàn: Trong từng nhóm sản phẩm hàng hóa khác nhau, đều có những sản phẩm bị làm giả, làm nhái. Theo tổng kết thì lĩnh vực tiêu dùng như mỹ phẩm, đồ dùng thời trang, dược phẩm, bánh kẹo… bị làm giả và nhái nhiều nhất, thực tế những vụ việc vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ liên quan đến tiêu dùng được Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ thụ lý giải quyết chiếm số lượng lớn.

Thủ đoạn làm giả xuất hiện ở quá trình thực hiện hành vi, cụ thể là sản phẩm do đối tượng vi phạm tự sản xuất ra hàng giả, hoặc nhập khẩu về để kinh doanh.

Trong mọi trường hợp, chủ thể quyền cần nâng cao nhận thức trong sở hữu trí tuệ, phối hợp với cơ quan chức năng để cơ quan chức năng hỗ trợ chủ thể quyền trong xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ, đồng thời bảo vệ tài sản trí tuệ của chính chủ thể quyền.

- Xin ông cho biết giải pháp để giảm thiểu vi phạm sở hữu trí tuệ và đảm bảo lợi ích của chủ thể quyền?

Ông Phạm Văn Toàn: Phải nói hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái ở Việt Nam trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế cũng như đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan ngại khi hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường Việt Nam.

Mặc dù vậy nhưng việc xử lý hàng giả về sở hữu trí tuệ không “tự nhiên” thực hiện được, bởi quyền sở hữu trí tuệ là quyền dân sự để bảo vệ tài sản trí tuệ của chủ thể quyền.

Việc thực hiện xử lý hàng giả theo quy định và thực hiện theo yêu cầu của chủ thể quyền nên chỉ khi nào nhận được yêu cầu của chủ thể quyền, thì Thanh tra Bộ phối hợp với các đơn vị chức năng mới tiến hàng điều tra, xác minh và xử phạt theo quy định.

Điều này đòi hỏi chủ thể quyền phải có ý thức rất rõ trong sở hữu trí tuệ thì cơ quan chức năng mới giúp đỡ được chủ thể quyền trong xử lý hành vi vi phạm. Khi phát hiện hành vi vi phạm thì các chủ thể quyền phải có đơn và đề nghị cơ quan chức năng áp dụng biện pháp hành chính để thanh tra, xác minh và làm rõ hành vi mà họ phản ánh.

Trong nhiều năm qua, hoạt động xử lý hàng giả, hàng nhái là một trong những hoạt động chủ đạo trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không chỉ trong lĩnh vực hàng hóa thương hiệu quốc tế mà cả hàng hóa Việt Nam. Các hàng hóa vi phạm mà chủ thể quyền có đơn đến cơ quan chức năng đều được xử lý một cách đầy đủ và có kết quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.