Sản xuất nhanh chóng bắt nhịp với trạng thái bình thường mới

Tại các địa phương, nguồn lao động để hồi phục sản xuất là rất cần thiết, trở nên cấp bách hơn bao giờ hết để có thể sản xuất các đơn hàng xuất khẩu.
Sản xuất nhanh chóng bắt nhịp với trạng thái bình thường mới ảnh 1Công nhân Công ty Cổ phần đầu tư quốc tế Phong Phú-Phú Yên sản xuất đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực tiêm vaccine phòng COVID-19 phủ rộng cho người dân, cuộc sống dần trở lại bình thường mới.

Chính quyền, người dân, doanh nghiệp đang nỗ lực nhanh chóng khôi phục sản xuất để phát triển kinh tế-xã hội, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều vấn đề khó khăn, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội để có thể nhanh chóng bắt lại nhịp phát triển như trước đây.

Nỗ lực phục hồi sản xuất

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đồng thời tuân thủ nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất, ngày 3/10/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký ban hành Chỉ thị 27/CT-TTg về phục hồi sản xuất công nghiệp trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Thêm vào đó, ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về Ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19," áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

[Bình Dương phấn đấu 90% doanh nghiệp tái sản xuất vào cuối tháng 10]

Với hai văn bản này, Chính phủ đã tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp trở về cuộc sống bình thường mới, khôi phục sản xuất sau thời gian dài thực hiện giãn cách đầy khó khăn.

Tại các địa phương, nguồn lao động để hồi phục sản xuất là rất cần thiết, trở nên cấp bách hơn bao giờ hết để có thể sản xuất các đơn hàng xuất khẩu.

Chính vì vậy, doanh nghiệp đã nỗ lực có nhiều chính sách hỗ trợ, đảm bảo an sinh để giữ chân người lao động, duy trì sản xuất ổn định ngay từ những ngày đầu tiên trở về cuộc sống bình thường mới.

Theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cỏ May ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, Cỏ May là doanh nghiệp thực hiện phương án "4 tại chỗ" trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cho đến nay, dù Chính phủ đã có Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới, Công ty Cỏ May vẫn duy trì chế độ làm việc này để đảm bảo an toàn, an sinh cho người lao động.

Công ty luôn bảo đảm các chế độ, không để nhân viên thiếu thốn, sẵn sàng bỏ thêm chi phí để đổi lấy sự an toàn cho toàn thể nhân viên, người lao động nhằm không đứt gãy chuỗi sản xuất.

Đến nay, hơn 90% nhân viên công ty đang thực hiện "4 tại chỗ" đã được tiêm 2 mũi vaccine để duy trì sản xuất, giữ vững chuỗi cung ứng.

Chia sẻ về những chính sách của công ty, bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, người lao động làm việc tại Cỏ May, cho biết công ty luôn bảo đảm cho nhân viên có đầy đủ sức khỏe, yên tâm làm việc. Người lao động được chăm lo 3 bữa ăn/ngày và tăng 30% lương cố định trong hơn 2 tháng thực hiện "4 tại chỗ." Đây là động lực rất lớn để anh chị em công nhân đoàn kết, thực hiện nghiêm thông điệp 5K của Bộ Y tế.

Không riêng tỉnh Đồng Tháp, các tỉnh khu vực Đông Nam bộ cũng có nhiều chính sách để đảm bảo an sinh cuộc sống cho người lao động sau khi chấm dứt thực hiện giãn cách xã hội, trở về cuộc sống bình thường.

Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến nay, các doanh nghiệp đã thành lập 2.043 “Tổ an toàn COVID-19” với 12.402 thành viên tại 717 doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đã có phương án phòng chống dịch được xây dựng cụ thể nhằm xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra. “Tổ an toàn COVID-19” trong doanh nghiệp đã phát huy tốt hiệu quả. Các “Tổ an toàn COVID-19” nắm chắc được những người lao động tại đơn vị mình nên ngăn chặn kịp thời nguồn lây xâm nhập.

Ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết để giúp doanh nghiệp vượt khó, hiện tại đã có 27 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đang triển khai 37 chương trình, gói tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Đồng thời, các ngân hàng cũng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với 2.181 khách hàng với tổng giá trị là 2.792 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay từ 2-2,5% đối với 39.348 khách hàng, với số tiền 144 tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số cho vay đạt 48.230 tỷ đồng cho 9.015 khách hàng.

Vẫn còn đó nhiều nỗi lo

Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã chịu tác động lớn từ giãn cách xã hội để ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Chỉ số phát triển công nghiệp của các địa phương có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, trong 9 tháng năm 2021, giá trị sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh Đồng Tháp chỉ đạt được hơn 48.000 tỷ đồng, giảm 1,89% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt cho 203 doanh nghiệp hoạt động "4 tại chỗ", với số lượng lao động là hơn 22.000 người.

Còn tại tỉnh Đồng Nai, trong 9 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, đây là mức tăng thấp nhất của tỉnh đồng Nai trong những năm qua.

Nguyên nhân chính là do sự ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 lần thứ 4, cộng với các thị trường khác trên thế giới cũng đang vật lộn với dịch bệnh này, làm cho nguồn nguyên liệu nhập khẩu, phục vụ cho sản xuất công nghiệp bị thiếu hụt, tiêu thụ hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn. Một số ngành giảm mạnh như chế biến, chế tạo giảm 9%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước giảm gần 20%.

Sản xuất nhanh chóng bắt nhịp với trạng thái bình thường mới ảnh 2Công nhân làm việc trong ngày đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội tại Khu Công nghiệp Linh Trung 1(Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: TTXVN)

Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê về triển vọng sản xuất, kinh doanh quý 4 năm 2021 trên toàn quốc thì có hơn 43% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý 3; hơn 26% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và hơn 30% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất, kinh doanh sẽ ổn định.

Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có đánh giá lạc quan nhất với 79,4% dự báo quý 4 tốt và ổn định hơn so với quý 3. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp nhà nước lần lượt là 71,8% và 68,8%.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, những vấn đề về nguồn vốn, đơn hàng, vận tải… đang là vấn đề khó khăn của hầu hết các doanh nghiệp vì sau nhiều tháng đóng băng, nguồn tiền đã cạn khi phải chi nhiều nhưng doanh thu, lợi nhuận không có.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vina T&T, đối với nhiều doanh nghiệp, việc hồi phục sản xuất sẽ cần thời gian rất dài. Nguyên do là trong những tháng dịch bệnh, doanh thu rất ít, thậm chí không có nhưng chi phí vẫn phải giữ nguyên, nguồn tiền dự trữ trong những năm qua phải lấy ra để bù vào. Doanh nghiệp phải nỗ lực lắm trong vài năm tới mới có thể hồi phục được những khoản này. Đó là chưa kể các mất mát khác như uy tín, đối tác… cũng rơi rụng một phần.

Bên cạnh các yếu tố nói trên còn có một nguy cơ khác là thiếu hụt lao động cho việc phục hồi sản xuất.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai, những tháng qua đã có hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người lao động đã phải rời bỏ phố thị để quay trở lại quê sau nhiều tháng không có việc làm.

Điều này trước mắt gây ra gánh nặng an sinh xã hội, phòng, chống dịch cho nhiều tỉnh, thành nhưng về lâu dài là việc đứt gãy nguồn cung lao động đang hiện hữu.

Chính vì vậy, các doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam bộ đang phải nỗ lực rất nhiều, chấp nhận thêm chi phí cho sản xuất 4 tại chỗ, xét nghiệm, tiêm vaccine, tăng chế độ chính sách hỗ trợ để có thể giữ chân người lao động, nhanh chóng khôi phục sản xuất trong giai đoạn bình thường mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.