Sandy Powell - Người dệt đương đại vào trang phục lịch sử

Là người ham học hỏi, bà yêu thích mọi giai đoạn lịch sử, chính vì lẽ đó, trang phục cho mỗi bộ phim mà Sandy Powell thiết kế đều có những nét đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được.
Sandy Powell - Người dệt đương đại vào trang phục lịch sử ảnh 1Nữ diễn viên Helena Bonham Carter với tạo hình bà tiên trong phim "Cinderella." Thiết kế phục trang được thực hiện bởi nhà thiết kế Sandy Powell.

Giữa rừng ống kính máy ảnh của phóng viên, nhân vật nổi bật nhất trên thảm đỏ lễ trao giải Oscars lần thứ 88 vừa qua dường như chẳng phải minh tinh hay tài tử nổi tiếng nào, mà là một người phụ nữ với mái tóc đỏ dựng kiểu nửa mohawk, mặc bộ suit jacquard Gucci đầy họa tiết hình học mà không phải ai cũng có thể tự tin khoác lên mình.

Bà chính là Sandy Powell, nhà thiết kế phục trang lịch sử cho phim hàng đầu tại Hollywood.

Thần thái của bà toát ra sự cuốn hút như chính gã "người ngoài hành tinh" David Bowie trong thời hoàng kim. Với những kẻ ngoại đạo, bà có thể chỉ trông như một diễn viên đầy chiêu trò mới nổi nào đấy. Nhưng với những tín đồ phim ảnh và thời trang, gương mặt này chính là một trong những đại diện cá tính, quyền lực và tài năng nhất của ngành công nghiệp điện ảnh.

Như bao đứa trẻ tò mò khác, cô bé Sandy Powell từng yêu mến hết mực những búp bê của mình và mong muốn chúng luôn được mặc những bộ trang phục đẹp nhất. Được chính mẹ mình truyền cảm hứng và dạy cắt may từ khi tuổi còn rất nhỏ, bà đã bắt đầu tự tay thực hiện những bộ trang phục cho búp bê và sau đó là cho cả chính mình và chị gái. Chính những bài học thực hành bé nhỏ này đã khơi dậy đam mê tìm hiểu vải vóc và những phom dáng trang phục ở Sandy Powell.

Sandy Powell - Người dệt đương đại vào trang phục lịch sử ảnh 2Chiếc đầm dạ hội màu xanh của Lọ Lem được Sandy Powell "hiện thực hóa" một cách trọn vẹn.

Câu chuyện của Powell có lẽ cũng sẽ tiếp tục theo hướng của những cái tên huyền thoại như Alexander McQueen hay John Galliano khi bà chọn theo học tại Central Saint Martins, ngôi trường thời trang-nghệ thuật hàng đầu thế giới đặt tại London. Tuy thế, bà lại chọn ngã rẽ sang ngành thiết kế sân khấu. Dù vậy, trái tim bà vẫn dành trọn cho thời trang - những trang phục diễn. Chính nền tảng giáo dục cùng đam mê độc đáo đã đem lại vị trí đặc biệt cho Sandy Powell sau này.

Trong kỳ nghỉ Hè sau năm học thứ hai, bà theo học một lớp nhảy của biên đạo múa nổi tiếng người Anh Lindsay Kemp. Tuy khóa học nhảy kết thúc không mấy thành công với Sandy, nhưng bù lại, bà đã làm quen được với Kemp. Cả hai trở thành bạn thân qua những buổi trà chiều, nơi bà mang đến và giới thiệu những thiết kế của chính mình cho Kemp.

Được sự ủng hộ của Kemp, ít lâu sau, Sandy ngừng việc học tại Central Saint Martins. “Việc học hành có thể giúp nhiều người tiến xa, nhưng không phải là tôi,” Sandy Powell chia sẻ.

Từ đấy, bà theo đuổi sự nghiệp thiết kế trang phục cho phim. Các thiết kế phục trang của bà trải dài từ thời Elizabeth của nước Anh như trong bộ phim “Orlando” với sự góp mặt của nữ diễn viên gạo cội Tilda Swinton, cho đến thập niên 1950 thời thượng, quyền lực trong "Carol" hay một giai đoạn tưởng tượng trong “Cinderella” cho Cate Blanchett - hai bộ phim mang lại cho bà đề cử Oscar thứ 12 của mình.

Sandy Powell - Người dệt đương đại vào trang phục lịch sử ảnh 3Tạo hình mẹ kế (do Cate Blanchett thủ vai) cũng nhận được nhiều lời khen ngợi.

Là người ham học hỏi, bà yêu thích mọi giai đoạn lịch sử, bởi lần nào chúng cũng dạy cho bà một điều mới - ngay cả khi bà đã từng thực hiện trang phục của giai đoạn đó rồi. Chính vì lẽ đó, trang phục cho mỗi bộ phim mà Sandy Powell thiết kế đều có những nét đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được.

“Tôi luôn yêu thích thời trang, nhưng chưa bao giờ mong muốn trở thành một nhà thiết kế thời trang cả. Tôi nghĩ rằng thiết kế phục trang thú vị hơn nhiều, bởi nó không chỉ đơn thuần là quần áo mà còn phản ánh cả tính cách lẫn đời sống của nhân vật nữa.” Dù vậy, Sandy Powell vẫn không phủ nhận rất nhiều nguồn cảm hứng của bà đến từ thế giới thời trang cao cấp. “Tôi tham khảo thời trang đương đại khi nghiên cứu về những trang phục cổ xưa.”

Galliano, McQueen, Yohji Yamamoto, Comme des Garcons và Jean Paul Gaultier là những cái tên hàng đầu trong danh sách các nhà thiết kế yêu thích của Sandy Powell. Chính điều này khiến cho trang phục của bà luôn đúng với lịch sử, nhưng lại khiến khán giả hiện đại dễ dàng cảm nhận do tính đương đại của chúng.

Công việc thiết kế của bà thường bắt đầu khoảng ba tháng trước ngày bộ phim bấm máy, và diễn ra liên tục trong suốt quá trình quay phim, có thể kéo dài thêm khoảng từ ba đến sáu tháng.

Sandy Powell - Người dệt đương đại vào trang phục lịch sử ảnh 4Nhà thiết kế Sandy Powell với giải Oscar năm 2010 cho các thiết kế trong phim "The Young Victoria."

Nhiều người nghĩ công việc thiết kế trang phục cho những bộ phim Hollywood thật đơn giản với số vốn đầu tư khổng lồ dành cho mỗi phim, tuy vậy, thực tế nguồn kinh phí dành cho trang phục chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số ấy. Việc tạo nên vô số những bộ trang phục lịch sử đẹp và trông thật đắt tiền thực sự là một thử thách cho bất cứ ai. Nhưng tất cả những diễn viên nào từng làm việc với Sandy đều cảm thấy hài lòng.

“Đa số đều đã có kinh nghiệm diễn xuất trên sân khấu, nên có lẽ việc mặc những trang phục lịch sử như thế này đã không còn là chuyện lạ với họ nữa. Và điều đấy khiến công việc của tôi bớt nhọc nhằn đi phần nào. Tôi nghĩ mình chưa từng gặp tai nạn nghề nghiệp nào cả. Chúng tôi rất may mắn, mọi thiết kế đều được thực hiện rất chỉn chu.” Và có lẽ bởi ai cũng yêu thích trang phục của bà, nên khi được hỏi bà thích thiết kế cho diễn viên nào nhất, Sandy chỉ cười to: “Làm việc với ai cũng vui như nhau cả!”

Thành công như thế, nhưng Sandy vẫn luôn quan tâm đến những người trẻ. Bà luôn đề cao vai trò của việc học may với bất cứ ai muốn trở thành nhà thiết kế phục trang, bởi việc hiểu rõ cấu trúc trang phục là điều tiên quyết để có thể làm ra được một thiết kế đẹp. “Ngành công nghiệp điện ảnh là một ngành khó khăn, và để thành công, bạn cần phải thật quyết tâm. Vì vậy, hãy sẵn sàng bắt đầu với những công việc lương thấp và đừng bao giờ từ bỏ giữa chừng”./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục