Sáng kiến bạc tỷ của hai chàng kỹ sư trẻ Phú Thọ

Hai chàng kỹ sư trẻ Trần Đại Nghĩa và Bùi Cao Cường của Công ty Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã đưa ra những sáng kiến làm lợi cho Công ty hàng tỷ đồng mỗi năm.
Sáng kiến bạc tỷ của hai chàng kỹ sư trẻ Phú Thọ ảnh 1Công nhân làm việc tại Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Cùng chung niềm đam mê nghiên cứu khoa học, hai chàng trai trẻ Trần Đại Nghĩa và Bùi Cao Cường đều là kỹ sư của Phòng Kỹ thuật An toàn và Môi trường thuộc Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã nhanh chóng khẳng định được tài năng khi đưa ra những sáng kiến cải tiến, kỹ thuật làm lợi cho Công ty hàng tỷ đồng mỗi năm.

Anh Trần Đại Nghĩa, Trưởng Phòng Kỹ thuật-An toàn và Môi trường, Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao sinh năm 1978, số tuổi của anh hiện nay vẫn còn ít hơn số đề tài anh tham gia nghiên cứu.

Trong suốt quá trình làm việc tại Công ty từ 2001 đến nay, mỗi năm anh đều có từ 3-4 đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh.

Các đề tài sáng kiến đã được áp dụng thực tế tại các dây chuyền sản xuất trong toàn Công ty góp phần giảm chi phí, tăng năng suất lao động.

Nhiều sáng kiến vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa giúp cải thiện môi trường làm việc, môi trường khí thải, nước thải… của Công ty đạt dưới mức cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam.

Riêng trong năm 2013, anh tiếp tục nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp sáng kiến cải tiến kỹ thuật khác.

Đề tài Nghiên cứu giải pháp công nghệ để tận thu axít H2SO4 loãng từ quá trình tái sinh các máy cation tại Bộ phận lọc nước hóa học của Xí nghiệp axít đưa quay trở lại sản xuất nhằm tiết kiệm, giảm chi phí và cải thiện môi trường làm việc và đạt mục tiêu chung sản xuất không có nước thải ra môi trường.

Đề tài này đã cải tạo môi trường làm việc của người lao động, đạt mục tiêu chung của Công ty sản xuất không nước thải, giá trị làm lợi 2,2 tỷ đồng/năm.

Đề tài Nghiên cứu các giải pháp nâng cao hiệu suất chuyển hóa SO2 thành SO3 của máy tiếp xúc, tăng năng suất dây chuyền, giảm hàm lượng SO2 trong khí thải tại Dây chuyền axít số 2, đã làm giảm lượng khí thải ra môi trường, giá trị kinh tế làm lợi đạt được 900 triệu đồng/năm.

Sinh ra, lớn lên và làm việc trên quê hương Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, ngay từ nhỏ, anh đã đam mê nghiên cứu khoa học, đặc biệt là yêu thích ngành hóa học.

Năm 2001, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, với tấm bằng khá trong tay, Kỹ sư trẻ Trần Đại Nghĩa được lãnh đạo Công ty tiếp nhận về làm việc tại Công ty và được phân công trực tiếp về đơn vị sản xuất.

Với những kiến thức đã học được trong trường, anh đã nhanh chóng nắm bắt được công nghệ, đưa ra những sáng kiến cải tiến, kỹ thuật giúp cho lãnh đạo đơn vị chủ động trong điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với nhiều giải pháp sáng kiến trên đồng chí đã vinh dự được nhận nhiều bằng lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Công Thương và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đặc biệt, anh đã vinh dự được được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lựa chọn là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu nhất năm 2013 để trao giải thưởng "Quả Cầu Vàng."

Tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Bùi Cao Cường (sinh năm 1984) cũng trở về quê và xin vào làm việc Công ty cổ phần supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ. Có niềm đam mê nghiên cứu khoa học, anh được phân công về Phòng Kỹ thuật-An toàn và Môi trường.

Mặc dù mới về công tác tại Công ty không lâu nhưng Bùi Cao cường, là người có đóng góp lớn với đề tài “Nghiên cứu, lập giải pháp sử dụng quặng Apatit loại hai dạng vụn, bột đưa vào sản xuất Supe Phốt phát.”

Đề tài với những giải pháp cụ thể, khi áp dụng vào sản xuất đã làm lợi cho Công ty hàng tỷ đồng.

Cường cho biết, hai năm trước, khi Xí nghiệp Phân lân nung chảy của Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao hoàn thiện, đi vào sản xuất với ba lò cao.

Trong sản xuất phân lân nung chảy, Công ty có sử dụng quặng apatit loại hai. Tuy nhiên, loại quặng này dư thừa nhiều khi sử dụng vì có kích thước dưới 40mm, trong khi để sản xuất phân lân nung chảy đòi hỏi kích thước quặng từ 40mm đến 70mm.

Lượng quặng này không sử dụng hết sẽ làm tăng chi phí sản xuất, gây lãng phí nguyên liệu và phải mất diện tích, mặt bằng để chứa…

Mặt khác, thiết bị đóng bánh quặng không đáp ứng được năng suất yêu cầu, thường xuyên bị quá tải.

Sau khi nghiên cứu, Bùi Cao Cường đã tính toán, xây dựng quy trình vận hành và đã đưa được quặng Apatit loại hai dạng vụn, bột vào để sản xuất phân bón Supe Lân (Supe phốt phát đơn) thương phẩm có hàm lượng P2O5 hữu hiệu >16,0%, đảm bảo các chế độ kỹ thuật công nghệ và chất lượng của sản phẩm.

Cường cho biết: Lúc nảy ra ý tưởng cho đề tài này, anh thật sự không nghĩ nó sẽ làm lợi cho Công ty nhiều đến thế. Trong quá trình sản xuất, anh thấy khi phân lân nung chảy thì lượng quặng Apatit dạng vụn, bột sinh ra trong quá trình nhập nguyên liệu, vận chuyển, đập, nghiền, sàng... thải ra nhiều. Lượng quặng này không sử dụng hết sẽ làm tăng chi phí sản xuất và lãng phí nguyên liệu.

Chỉ sau một năm thử nghiệm, đề tài “Nghiên cứu, lập giải pháp sử dụng quặng Apatit loại hai dạng vụn, bột đưa vào sản xuất Supe phốt phát” đã thể hiện rõ tính ưu việt, không chỉ tiết kiệm nguyên liệu mà nó còn làm lợi cho Công ty gần hai tỷ đồng.

Sáng kiến của Cường là một trong 45 đề tài tiêu biểu được Trung ương Đoàn xét chọn và vinh danh tại Festival Sáng tạo trẻ lần thứ V./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.