Sáng kiến đặc biệt đưa thú ‘về nhà’ ở Vườn quốc gia đầu tiên Việt Nam

Lần đầu tiên trong lịch sử ở một vườn quốc gia, du khách có thể tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng lực lượng chức năng tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ trở về với “ngôi nhà tự nhiên.”
Ông Nguyễn Văn Chính (đứng ngoài cùng bên trái) dẫn đoàn tham gia hoạt động thả động vật về rừng. (Ảnh: VQG Cúc Phương)
Ông Nguyễn Văn Chính (đứng ngoài cùng bên trái) dẫn đoàn tham gia hoạt động thả động vật về rừng. (Ảnh: VQG Cúc Phương)

Hơn 3 tháng qua, nhiều người yêu thiên nhiên truyền tai nhau về ý nghĩa của một tour du lịch trải nghiệm đặc biệt ở Vườn quốc gia Cúc Phương.

Với tên “Về nhà,” tham gia tour du lịch này, du khách không chỉ được trực tiếp thả động vật hoang dã về rừng mà còn trở thành “sứ giả” giúp lan tỏa mạnh mẽ thông điệp bảo tồn thiên nhiên.

Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Vườn quốc gia Cúc Phương - người khởi xướng tour "Về nhà” đầu tiên cho các loài động vật hoang dã về vấn đề này.

Ứng xử thuận lẽ với thiên nhiên

- Đầu tiên, ông có thể chia sẻ những đặc điểm nổi bật của Vườn quốc gia Cúc Phương...?

Ông Nguyễn Văn Chính: Cúc Phương là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, được thành lập ngay từ thời điểm đất nước còn đang trong thời kỳ lo ăn cho dân, ngoại xâm đánh phá. Trải qua rất nhiều khó khăn, gần 60 năm qua, Cúc Phương không chỉ là “cái nôi” đào tạo cán bộ ngành mà còn là địa điểm giáo dục môi trường để lại ấn tượng đặc biệt trong mắt các nhà bảo tồn và bạn bè quốc tế.

[‘Bảo mẫu’ linh trưởng: Dành cả thanh xuân bảo tồn nguồn gene quý hiếm]

Sau gần 2 năm gắn bó, điều tôi thấy ấn tượng nhất là dấu ấn điển hình của hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới thường xanh trên núi đá vôi, với khu hệ động, thực vật phong phú, không chỉ tầm cỡ ở Việt Nam mà trên thế giới.

Không những thế, Cúc Phương còn chứa đựng hệ giá trị về lịch sử, văn hóa tộc người bản địa với sự tương hỗ của không gian văn hóa, lịch sử trong khu vực ba tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Hòa Bình. Trong bối cảnh hiện nay, với những hệ lụy của biến đổi khí hậu và áp lực tăng trưởng “nóng” thì số ít những cánh rừng như Cúc Phương đang để cho chúng ta suy nghĩ nghiêm túc về cách ứng xử thuận lẽ với thiên nhiên.

Sáng kiến đặc biệt đưa thú ‘về nhà’ ở Vườn quốc gia đầu tiên Việt Nam ảnh 1Công tác chăm sóc thú linh trưởng tại Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng nguy cấp Cúc Phương( Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Thời gian qua, Vườn quốc gia Cúc Phương đã thực hiện đồng bộ cả 3 trụ cột: Bảo vệ rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế về bảo tồn; giáo dục môi trường gắn với khai thác du lịch sinh thái.

“Mê cung” bí ẩn và kì thú

- Nhiều người khi đến với Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam đã phải thốt lên rằng Cúc Phương rộng lớn và bí ẩn như “Mê cung kì thú.” Ông có thể khái quát hơn về khu rừng đặc biệt này?

Ông Nguyễn Văn Chính: Chữ "mê cung" mà bạn nói là một thứ được anh em chúng tôi ví von và để trong ngoặc kép. Bản thân mỗi chúng ta đã là một tiểu vũ trụ. Và, một cánh rừng nguyên sinh có lịch sử hàng triệu năm như Cúc Phương, chắc chắn mang trong lòng một hệ giá trị tiềm ẩn và kì thú.

Bạn hãy tưởng tượng, trên một dãy núi đá vôi đồ sộ bừng lên một cánh rừng xanh mướt, sinh trưởng và vận động qua lịch sử hàng triệu năm. Bản thân trong các khối đá vôi luôn rất cằn cỗi, nhưng trên đó lại có một hệ sinh thái với động, thực vật hàng trăm, hàng nghìn loài khác nhau. Rõ ràng đó là sự bí ẩn và kì thú.

[Khám phá ngôi nhà chung của nhiều loài rùa quý hiếm tại Cúc Phương]

Từng nhành cây, ngọn cỏ, loài động vật đều mang cho chúng ta những bài học nhân sinh sâu sắc về sức sống mãnh liệt, về sự thân ái trong tổ chức đời sống của một cánh rừng. Cây thì lớp lang chằng chịt nhưng rành mạch 5 tầng tán như một sự “phân công lao động” hết sức khoa học. Động vật thì thanh, sắc biến hiện tài tình qua ngày, đêm, bốn mùa. Từng chiếc lá, từng cành khô, từng thân cây mục… đều mang sứ mệnh của riêng mình, tận hiến cho vòng tuần hoàn sự sống.

Hơn nữa, bao bọc xung quanh bởi diện tích hơn 22.000ha của cánh rừng nguyên sinh này là một “hệ sinh thái văn hóa,” có bề dày lịch sử, bản sắc và vô cùng giá trị. Hệ sinh thái này có tương tác một cách hữu cơ với sự vận động của hệ sinh thái rừng Cúc Phương. Ở đó là các tri thức dân gian, các tín ngưỡng dân gian, các nghề thủ công truyền thống, lễ tiết vòng đời. Đó cũng là sự bí ẩn và kì thú…

“Sứ giả” lan tỏa tình yêu thiên nhiên

- Để góp phần cho sự bình an của cánh rừng rộng lớn cổ quý cũng như giành lại sự sống cho các loài động vật, thực vật hoang dã nơi đây, hẳn Vườn quốc gia Cúc Phương đã và đang đầu tư rất nhiều giải pháp cho công tác quản lý?

Ông Nguyễn Văn Chính: Gốc rễ để một cánh rừng được “bình an” như bạn nói, là công tác bảo vệ rừng. Đó là chức năng quan trọng hàng đầu của chúng tôi.

Sáng kiến đặc biệt đưa thú ‘về nhà’ ở Vườn quốc gia đầu tiên Việt Nam ảnh 2Ông Nguyễn Văn Chính trong một chuyến thực địa trong rừng nguyên sinh Cúc Phương. (Ảnh: Trần Bảy)

Hạt Kiểm lâm Cúc Phương - đơn vị chính thực hiện nhiệm vụ này, trong thời gian gần đây đã có nhiều đổi mới. Từ việc bố trí, sắp xếp nhân sự đến việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật và kỹ năng nghề. Đặc biệt, chúng tôi hướng tới việc “mỗi người dân trở thành một kiểm lâm viên” cùng chúng tôi bảo vệ cánh rừng này.

Công tác giáo dục môi trường thông qua hoạt động khai thác du lịch sinh thái là một kênh nâng cao nhận thức, truyền đi thông điệp về tình yêu thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên và ứng xử thuận lẽ với thiên nhiên. Các sản phẩm du lịch, các tour, chương trình tham quan đều mang thông điệp này một cách nhất quán, với phương châm: “Mỗi khách tham quan là một sứ giả lan tỏa tình yêu thiên nhiên!”

Điển hình nhất cho các hoạt động trên là “Tour Về nhà” gắn với việc lần đầu tiên trong lịch sử ở một vườn quốc gia, cho phép khách tham quan tham gia trải nghiệm và đồng hành cùng công tác tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ. Sáng kiến này bắt đầu được đưa vào áp dụng cho du khách từ ngày 20/3/2021.

Mục đích của “Tour Về nhà” là lan tỏa tình yêu thiên nhiên và sống có trách nhiệm với thiên nhiên hơn của con người. Khi chứng kiến khoảnh khắc động vật được “hồi sinh” chắc chắn mỗi du khách sẽ đón nhận năng lượng từ rừng già bằng cảm nhận riêng của mình đồng thời xác định sứ mệnh chuyển tải thông điệp của chúng tôi đến gia đình, người thân về trách nhiệm xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững.

- Vậy sau hơn 3 tháng triển khai tour "Về nhà," đến nay có bao nhiêu du khách đã tham gia vào hoạt động tái thả và bao nhiêu cá thể động vật hoang dã đã được trở về với “ngôi nhà” tự nhiên của mình, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chính: Nói là hơn 3 tháng nhưng thực tế quãng thời gian triển khai chỉ vào khoảng 5 tuần vì gần 2 tháng nay, hệ lụy của đại dịch COVID-19 đã buộc chúng tôi phải tạm dừng tour để đảm bảo an toàn.

Sáng kiến đặc biệt đưa thú ‘về nhà’ ở Vườn quốc gia đầu tiên Việt Nam ảnh 3Ông Nguyễn Văn Chính (đang ngồi) tham gia tái thả động vật hoang dã, khai trương "Tour Về nhà." (Ảnh Hoàng Hiệp)

Dù vậy, từ khi triển khai “Về nhà” đến nay, Vườn quốc gia Cúc Phương đã tổ chức thành công được 5 đợt tái thả động vật hoang dã có sự tham gia của gần 140 du khách. Đã có 101 cá thể thuộc 17 loài được tái thả về môi trường tự nhiên.

Mới đây nhất, trong chuyến thị sát Vườn quốc gia Cúc Phương, ngày 1/7/2021, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cũng đã trực tiếp tham gia tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ về rừng. Thứ trưởng bày tỏ sự xúc động trước sáng kiến của Cúc Phương, biến hoạt động này trở thành một tour du lịch mang thông điệp giáo dục môi trường sâu sắc và đang có sức lan tỏa lớn.

Ngoài ra, với cách tiếp cận trên, hiệu ứng của sản phẩm đã lan tỏa thực sự bất ngờ. Đến nay, hàng trăm đăng ký của các đoàn khách tham quan đang được chúng tôi bố trí, sắp xếp. Dự kiến khi hết dịch, chúng tôi sẽ đón khách cùng tham gia.

Truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng

- Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi chứng kiến những cá thể động vật hoang dã mà Vườn đã chăm sóc, bảo vệ được thả về môi trường tự nhiên?

Ông Nguyễn Văn Chính: Để đưa được một cá thể động vật hoang dã về với tự nhiên là cả một quá trình tiếp nhận, chữa trị, chăm sóc vất vả và đầy tâm huyết của các lực lượng chức năng và lực lượng chuyên môn của Vườn.

Mỗi lần chứng kiến du khách tham gia tái thả động vật, tôi rất cảm động vì cộng đồng xã hội ngày càng trân quý thiên nhiên và bảo vệ động vật hoang dã, nhất là các bạn trẻ. Đây là sự động viên lớn nhất cho những người làm công tác bảo tồn.

Mỗi khi đưa động vật từ khu cứu hộ đi tái thả, tôi luôn tâm niệm thay chúng là “vào rừng để về nhà.” Còn cảm xúc ư, nhường lại cho các du khách nhé!

- Mới đây, ngày 16/6/2021, anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam có trụ sở đặt trong khuôn viên Vườn quốc gia Cúc Phương, đã được trao giải thưởng Goldman Environmental Prize năm 2021 - Giải thưởng lớn nhất thế giới về môi trường, còn được mệnh danh là “Nobel Xanh.” Cá nhân ông đánh giá như thế nào về giải thưởng này cũng như những cống hiến của anh Thái sau 16 năm gắn bó với công tác bảo tồn tê tê tại Vườn?

Ông Nguyễn Văn Chính: Goldman là một giải thưởng uy tín và danh giá trong cộng đồng làm công tác về môi trường sinh thái và bảo tồn thiên nhiên. Đây là một sáng kiến tuyệt vời, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng nhằm tạo ra một Trái Đất với sự cân bằng sinh thái. Chúng tôi đánh giá cao Giải thưởng này.

Sáng kiến đặc biệt đưa thú ‘về nhà’ ở Vườn quốc gia đầu tiên Việt Nam ảnh 4Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, Thái khẳng định sẽ gắn bó lâu dài với công việc bảo tồn động vật hoang dã và sẽ nỗ lực đưa tê tê vàng trở lại. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Nguyễn Văn Thái xuất thân là một người con sinh ra và lớn lên ở vùng đệm Cúc Phương, gắn bó với Vườn quốc gia Cúc Phương. Đấng sinh thành của Thái cũng là cán bộ của Vườn trước kia. Thái học Lâm nghiệp và thời gian đầu là một cán bộ làm công tác bảo tồn thiên nhiên của Vườn.

[Nguyễn Văn Thái: Người đặt nền móng phục hồi quần thể tê tê ở Việt Nam]

Việc Thái thành lập Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Cúc Phương là một hành động tuyệt vời. Từ khi thành lập đến nay, mối quan hệ giữa Cúc Phương với Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam rất gắn kết, đặc biệt và hiệu quả - tất cả vì mục đích bảo tồn và nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội.

Từ câu chuyện thành công của Thái và nhiều cá nhân khác, tôi có thể khẳng định Cúc Phương là “cái nôi” nuôi dưỡng, đào tạo và chắp cánh cho nhiều cá nhân trưởng thành và gặt hái thành công trong sự nghiệp gắn với bảo tồn thiên nhiên./.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Theo thống kê của Vườn quốc gia Cúc Phương, trong 10 năm qua (từ năm 2010-2020), Vườn đã cứu, hộ bảo tồn trên 2.600 cá thể động vật hoang dã thuộc 75 loài; trong đó có rất nghiều loài nguy cấp quý hiếm. Điển hình là 20 loài linh trưởng; 34 loài rùa cạn, rùa nước ngọt; 8 loài thú ăn thịt và tê tê, công má vàng, gà lôi trắng,...

Ngoài ra, Vườn đã tiếp nhận cứu hộ 3.212 cá thể động vật hoang dã; cho ghép đôi sinh sản được 1.443 cá thể động vật hoang dã; tái thả về môi trường tự nhiên các Vườn quốc gia và Khu bảo tồn trên 1.600 cá thể; xây dựng Vườn thực vật từ năm 1985 với diện tích 167ha; sưu tập và lưu giữ được trên 800 loài thực vật…

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục