Sự xuất hiện của biến thể Delta của virus SAR-CoV-2 đã khiến đại dịch COVID-19 trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết, với xu hướng lây lan nhanh chóng trên toàn cầu.
Trong khi đó, những nỗ lực đa phương nhằm chống lại virus và giải quyết cuộc khủng hoảng nợ toàn cầu đang rình rập, đồng thời thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững đang dần bị lu mờ, đặc biệt là trong việc giải quyết núi nợ khổng lồ đang ngày càng phình to tại các quốc gia nghèo và đang phát triển.
DSSI là gì?
Trong bài phân tích đăng tải trên trang Diễn đàn Đông Á (East Asia Forum), Giáo sư William N Kring, Trợ lý Giám đốc Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu tại Đại học Boston (Mỹ), nhận định trước khi khủng hoảng COVID-19 xuất hiện, các nước đang sở hữu nợ quốc tế chủ yếu dành nguồn lực của mình cho công tác thanh toán nợ nhiều hơn là hoạt động chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu tàn phá thế giới, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã quyết định đối phó dịch bệnh bằng cách công bố Sáng kiến Hoãn Thanh toán Nợ (DSSI).
Sáng kiến này đã được các nhà lãnh đạo G20 nhất trí và đưa ra tại cuộc họp do Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tiền tệ Thế giới (IMF) tổ chức vào tháng 4/2020.
DSSI cho phép các nước có thu nhập thấp (LIC) tạm thời hoãn thanh toán nợ song phương chính thức giữa các chính phủ đến tháng 12/2020 và hiện đã được gia hạn đến tháng 12/2021. Dự tính ban đầu DSSI có thể giúp hơn 70 nước được giãn nợ, với tổng trị giá 12 tỷ USD.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã lên tiếng chỉ trích DSSI vì sáng kiến này không bắt buộc tất cả các chủ nợ phải tham gia. Do đó, trong số 73 LIC đủ điều kiện theo DSSI, chỉ có 45 quốc gia hưởng lợi được trì hoãn thanh toán cho các chủ nợ song phương chính thức.
Tính đến tháng 7/2021, số nợ được "giải thoát" mới chỉ đạt tổng giá trị 4,6 tỷ USD.
Để thúc đẩy hơn nữa DSSI, đến tháng 4/2021, G20 đã phát triển thêm một "Khuôn khổ chung về Xử lý Nợ bên ngoài Sáng kiến Hoãn Thanh toán Nợ," nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán cơ cấu lại nợ dành cho LIC.
Mặc dù G20 đã nỗ lực thông qua các biện pháp chưa từng có tiền lệ, nhưng chỉ có các nước nghèo là Chad, Ethiopia và Zambia áp dụng được khuôn khổ này. Có thể nói, về tổng quan, các biện pháp tái cơ cấu của G20 vẫn chưa đạt hiệu quả cần thiết.
Ba thiếu sót của DSSI
Bất chấp những kết quả ít ỏi thu được, thông cáo phát hành sau cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính và Ngân hàng Trung ương của G20 vào tháng 7/2021 đã thất bại trong việc cải thiện các biện pháp xóa nợ của nhóm.
Điều này đặc biệt đáng lo ngại, trong bối cảnh mối đe dọa mà biến thể Delta gây ra đối với triển vọng phục hồi toàn cầu, tình trạng triển khai vaccine chậm trễ và những rủi ro từ chính sự phục hồi khác nhau giữa các quốc gia đang ngày càng tăng.
Để đạt được hiệu quả như kỳ vọng, tác giả cho rằng G20 cần sớm giải quyết ba thiếu sót của DSSI và Khuôn khổ chung.
Thứ nhất, theo tác giả, DSSI và Khuôn khổ chung chỉ áp dụng cho các bên vay chính phủ song phương mà không bắt buộc đối với tất cả các bên cho vay.
Một kết quả nghiên cứu của Cơ quan Eurodad cho biết chỉ có khoảng 16,8% các khoản thanh toán nợ đã được đình chỉ. Nếu muốn các quốc gia đang đối mặt với khó khăn về nợ có đủ không gian tài chính để chống lại đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững, tất cả các chủ nợ đều bắt buộc phải tham gia.
DSSI không nên "giải phóng" không gian tài chính cho các quốc gia có thu nhập thấp đang đấu tranh với COVID-19 để thực hiện thanh toán cho các chủ nợ tư nhân khác. Điều này là nguyên nhân khiến cho các chủ nợ tư nhân từ chối tham gia đàm phán.
Thứ hai, DSSI nên được mở rộng để bao gồm bất kỳ quốc gia nào đang đứng trên bờ vực mất khả năng thanh toán, thậm chí nếu đó là quốc gia có mức thu nhập trung bình (MIC).
Trong vòng 18 tháng vừa qua, các MIC đã phải vật lộn với khó khăn, từ việc thiếu không gian tài chính và tiền tệ để chống lại virus đến làm thế nào hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Một nghiên cứu mới đây nhất của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) ước tính rằng từ năm 2021-2025, 72 quốc gia trên toàn thế giới sẽ phải thanh toán tối thiếu 598 tỷ USD nợ công nước ngoài, trong đó các MIC chiếm 94%.
Thật vậy, 23 trong số các quốc gia mà UNDP phân loại là dễ bị tổn thương, nhưng không đủ điều kiện theo DSSI hoặc Khuôn khổ chung và do đó 387 tỷ USD nợ phải thanh toán đang gặp rủi ro.
Việc mở rộng khả năng tiếp cận với các MIC là đặc biệt quan trọng, vì 80% các cá thể bị đẩy vào cảnh nghèo cùng cực do đại dịch COVID-19 đang cư trú trong các MIC.
Cuối cùng, tác giả cho rằng G20 phải cải cách Khuôn khổ chung để đảm bảo tất cả các bên tham gia cùng ngồi vào bàn đàm phán và có vai trò trong việc xóa nợ vĩnh viễn.
Nếu không có hành động song song của từng bên, các quốc gia mang nợ sẽ đơn giản là lấy khoản miễn trừ nợ để trả cho các chủ nợ khác, mà không có sự gia tăng thực sự về không gian tài chính để chống dịch và phục hồi kinh tế quốc gia.
Một số khu vực đã có sự chuẩn bị tốt hơn so với một số khu vực khác, để có thể vượt qua thử thách của đại dịch COVID-19 nhanh chóng hơn. Đông Á là một ví dụ rõ nét nhất.
Trong hơn hai thập kỷ qua, Đông Á đã nỗ lực để "tự bảo hiểm" cho nền kinh tế của mình thông qua việc tích lũy dự trữ ngoại hối, sử dụng các biện pháp quản lý dòng chảy vốn, thành lập Sáng kiến Đa phương hóa Chiang Mai và Hoán đổi song phương từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).
Hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đều thiếu khả năng tiếp cận những nguồn tài nguyên như vậy, khiến họ bị phụ thuộc vào các hoạt động cứu trợ đa phương.
Giữa bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu cấp bách nhất trong nhiều thế hệ đang diễn ra, những nỗ lực của G20 nhằm giải quyết nợ bền vững là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, những biện pháp chưa từng có này vẫn chưa đủ để giải quyết các thách thức và tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn.
Khi các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc tiếp tục ghi nhận sự phục hồi kinh tế và đại dịch COVID-19 dần được kiểm soát, sự tăng tốc về phát triển kinh tế tại các nước lớn có thể dẫn đến động thái tăng lãi suất, kích hoạt dòng vốn đầu tư nước ngoài và giảm tỷ giá hối đoái ở cả các nước LIC và MIC.
Những động thái này có thể làm tăng bong bóng nợ nước ngoài và làm mới rộng khoảng cách về phục hồi kinh tế giữa các nền kinh tế tiên tiến và Trung Quốc với phần còn lại của thế giới.
Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng với tư cách là diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế quốc tế, G20 cần nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy một kế hoạch xóa nợ táo bạo hơn, giúp cả LIC và MIC cùng vượt qua đại dịch COVID-19, giải quyết các khó khăn về nợ và theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế công bằng và bền vững./.