Sáng kiến Kinh tế Xanh IORA thúc đẩy tăng trưởng bền vững

Hiệp hội các quốc gia vành đai Ấn Độ Dương (IORA) thành lập từ 1997, gồm 22 thành viên bao quanh đại dương lớn thứ 3 thế giới, trong đó nổi bật là vai trò của Ấn Độ, Australia, Indonesia, Nam Phi.
Sáng kiến Kinh tế Xanh IORA thúc đẩy tăng trưởng bền vững ảnh 1Chuyên gia Ang Chin Hup, chuyên viên nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Hàng hải Malaysia (MIMA), cựu Thuyền trưởng Hải quân Malaysia (ngoài cùng bên phải) phát biểu (trực tuyến) tại Hội thảo. (Ảnh: Mạnh Tuân/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu tại phiên thảo luận thứ 8 với chủ đề “Phát triển Hàng hải bền vững: Sức mạnh tương lai của đại dương” trong khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12, chuyên gia Ang Chin Hup - chuyên viên nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Hàng hải Malaysia (MIMA) - cho rằng Sáng kiến Kinh tế Xanh vành đai Ấn Độ Dương có thể là mô hình cho các quốc gia ven Biển Đông tham khảo.

Hiệp hội các quốc gia vành đai Ấn Độ Dương (IORA) được thành lập năm 1997, gồm 22 thành viên bao quanh đại dương lớn thứ 3 thế giới, trong đó nổi bật là vai trò và vị thế của Ấn Độ, Australia, Indonesia và Nam Phi.

Với mục tiêu tăng cường hợp tác khu vực hướng tới một Ấn Độ Dương hòa bình, ổn định và thịnh vượng, các nước thành viên IORA đã xây dựng và triển khai kế hoạch thúc đẩy Sáng kiến Kinh tế Xanh IORA.

[Vì một khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng]

Trong bài tham luận tại hội thảo, chuyên gia Ang Chin Hup cho biết để thúc đẩy Sáng kiến Kinh tế Xanh vành đai Ấn Độ Dương, IORA đã hoạch định 4 lĩnh vực trọng tâm, gồm: đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; cảng và vận tải biển; năng lượng đại dương tái tạo; và hydrocarbon ngoài khơi và khoáng sản đáy biển.

Đáng chú ý, theo các sáng kiến và kế hoạch mà IORA đề ra, mỗi quốc gia thành viên tuy có điều kiện địa lý và chính trị, trình độ chuyên môn, tiến bộ công nghệ khác nhau, nhưng đều cam kết thực hiện 4 lĩnh vực trọng tâm bằng cách xây dựng và thực hiện các Kế hoạch Hành động của IORA thông qua các chiến lược kinh tế xanh quốc gia của mình.

Theo chuyên gia Ang Chin Hup, các quốc gia ven Biển Đông cũng phải đối mặt với các thách thức tương tự như các quốc gia ven biển ở Ấn Độ Dương khi đều phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên sinh vật và phi sinh vật tại biển cả để cung cấp lương thực, thương mại, vận tải và an ninh.

Về mặt địa lý, cả hai vùng đều nằm trong tuyến giao thông hàng hải quan trọng nhất và đa dạng sinh học cùng các nguồn tài nguyên hàng hải phong phú như trữ lượng dầu, khí đốt tự nhiên và nghề cá.

Là người từng đại diện cho giới nghiên cứu Malaysia tham gia các phiên thảo luận về Sáng kiến Kinh tế Xanh IORA, ông Ang Chin Hup cũng cho rằng các nước ven Biển Đông có thể rút kinh nghiệm từ hai vấn đề nổi bật nảy sinh từ việc thực hiện sáng kiến, đó là tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.

Về mặt kinh tế, đại dương rộng lớn mang đến cơ hội lớn cho nghề cá, nuôi trồng thủy sản, cảng biển và vận tải biển, đồng thời sở hữu một nguồn tài nguyên biển dồi dào để tái tạo năng lượng đại dương.

Tuy nhiên, các khoáng chất carbon ngoài khơi và dưới đáy biển vẫn chưa được khai thác.

Trong khi đó, nền kinh tế xanh có thể mang lại cơ hội to lớn về tăng trưởng kinh tế cho các quốc gia thành viên, việc thăm dò và lạm dụng quá mức đối với các hoạt động đánh bắt và vận chuyển thủy sản tác động tiêu cực đến môi trường, do đó đặt ra vấn đề về tính bền vững.

Chính vì vậy, ông khuyến nghị các quốc gia ven Biển Đông cần chú ý cân bằng giữa tăng trưởng và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.