Sáng tạo đôi găng tay thông minh dành cho người khiếm thị

Không chỉ có chức năng dò đường, sản phẩm đôi găng tay thông minh có thể hỗ trợ người khiếm thị sử dụng máy tính và đàm thoại như một chiếc điện thoại di động.
Sáng tạo đôi găng tay thông minh dành cho người khiếm thị ảnh 1Lê Ngô Duy Phong (bên trái) đang hướng dẫn sử dụng găng tay thông minh. (Nguồn: Husta.org)

Sản phẩm "Găng tay thông minh dành cho người khiếm thị" của em Lê Ngô Duy Phong, Trường Trung học phổ thông Phú Bài, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa giành giải nhất Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên, Nhi đồng tỉnh Thừa Thiên-Huế lần thứ IX, năm 2016.

Không chỉ có chức năng dò đường, sản phẩm đôi găng tay thông minh này của em Lê Ngô Duy Phong còn có thể hỗ trợ người khiếm thị sử dụng máy tính và đàm thoại như một chiếc điện thoại di động.

Lê Ngô Duy Phong cho rằng cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, nhiều sản phẩm hiện đại được ra đời phục vụ cho nhu cầu của con người. Tuy nhiên, các sản phẩm dành cho người khiếm thị vẫn còn nhiều hạn chế. Người khiếm thị thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt hằng ngày.

Trong khi đó, trên thị trường hiện mới chỉ có các sản phẩm gậy dò đường và mắt kính có giá thành tương đối cao, không phù hợp với kinh tế eo hẹp của người khiếm thị. Từ đó, em Lê Ngô Duy Phong đã lên kế hoạch để thực hiện ý tưởng của mình.

Trước khi bắt tay vào nghiên cứu, Lê Ngô Duy Phong đã đến Hội người mù tỉnh Thừa Thiên-Huế để tìm hiểu những khó khăn cụ thể của người khiếm thị. Từ đó, em tiếp tục tìm hiểu thông tin, hướng dẫn trên mạng Internet kết hợp với kiến thức trong sách vở để vẽ ra sơ đồ bảng mạch cho đôi găng tay thông minh.

Về cấu tạo, sản phẩm có 3 phần, gồm găng tay trái, găng tay phải (mỗi chiếc mang một chức năng khác nhau) và thiết bị ngoại vi máy vi tính.

Theo Lê Ngô Duy Phong, găng tay trái đóng vai trò như một chiếc điện thoại thông minh, tích hợp module SIM900A để thực hiện các giao tiếp nhận, thực hiện cuộc gọi.

Hệ thống bàn phím cùng module SIM900A sẽ được kết nối với mạch xử lý trung tâm Arduino 1 được lập trình dưới ngôn ngữ Wiring. Mạch xử lý trung tâm sẽ thực hiện vòng lặp và kiểm tra, nếu có cuộc gọi đến, sẽ rung và kết hợp còi báo, người khiếm thị chỉ cần ấn phím để nghe máy.

Găng tay phải là một bảng điều khiển máy tính và hỗ trợ di chuyển. Với chức năng hỗ trợ di chuyển, bằng cách lắp đặt cảm biến siêu âm, găng tay giúp nhận biết được vật cản phía trước trong phạm vi cách đó 1 mét, thực hiện kiểm tra điều kiện, nếu phát hiện có vật cản, bộ xử lý trung tâm Arduino 2 sẽ đưa ra báo động bằng còi và rung giúp người khiếm thị nhận biết và xác định hướng đi, đường đi, đảm bảo độ an toàn khi di chuyển.

Trên máy tính, một phần mềm sẽ kiểm tra liên tục đầu vào, nếu nhận được một trong các lệnh từ người khiếm thị, phần mềm sẽ điều khiển máy tính và thực hiện các chức năng nhờ dữ liệu được lấy từ đám mây điện toán và phát ra ngoài.

Với chức năng điều khiển máy tính, người khiếm thị có thể sử dụng các chức năng giải trí từ xa thông qua cách truyền nhận tín hiệu bằng sóng điện từ.

Nhìn bề ngoài, đôi găng tay này không khác gì những đôi găng tay thông thường. Thế nhưng, bằng việc tích hợp các thiết bị điện tử, Lê Ngô Duy Phong đã tạo ra chiếc găng tay ba chức năng: nghe điện thoại, điều khiển máy tính từ xa và dò đường cho người khiếm thị.

Lê Ngô Duy Phong cho biết để nghiên cứu thành công, em đã mất gần cả năm kể từ khi lên ý tưởng cho đến khi hoàn thành sản phẩm. Còn các linh kiện, vi mạch thì phải tìm kiếm và đặt hàng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khó khăn lớn nhất trong quá trình thực hiện công trình này là nguồn kiến thức rất nhiều, phải kết hợp liên môn.

Trong quá trình làm, em không có đủ đồ dùng, dụng cụ để làm cho đôi găng tay nhỏ lại. Khi làm đôi găng tay em chỉ làm sơ bộ như một đôi găng tay mà người khiếm thị có thể sử dụng được.

Trong tương lai, thay vì chiếc găng tay, em sẽ dự định biến sản phẩm này thành một chiếc vòng hay chiếc đồng hồ để tăng tính thẩm mỹ. Cùng với đó là việc hạ giá thành sản phẩm xuống mức thấp nhất có thể.

Ông Trần Giải, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh, Phó Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết đôi găng tay của Lê Ngô Duy Phong có nhiều chức năng, nhiều ưu điểm; có thể đáp ứng được một số chức năng như: dò đường hoặc là điều khiển máy tính, nghe điện thoại, giúp gọi điện một cách nhanh chóng, sản phẩm đáp ứng được nhu cầu sử dụng, giúp ích cho người khiếm thị trong việc hòa nhập với cuộc sống, tuy nhiên sản phẩm tuy còn thô sơ, cần phải được hoàn thiện hơn.

Thời gian tới, Phong sẽ nghiên cứu trang bị thêm đèn Led chiếu sáng và thiết bị hỗ trợ âm thanh, giúp người khiếm thị cảnh báo cho người xung quanh họ để có thể qua đường một cách chủ động hơn.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: Thebrighterside)

Phát triển công nghệ chẩn đoán sớm bệnh Parkinson

Các nhà khoa học Israel đã sử dụng kính hiển vi siêu phân giải và phân tích tính toán để lập bản đồ chính xác các tập hợp protein, một chỉ số chính của bệnh Parkinson, trong các sinh thiết da.

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Chế tạo chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo

Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã thiết kế chiếc chân robot đầu tiên có cơ nhân tạo, cho phép máy móc di chuyển giống con người hơn, có thể nhảy nhanh nhẹn trên nhiều bề mặt.