Ngày 9/11, tại khu di tích-danh thắng Yên Tử, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức họp báo thông báo về việc tổ chức Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày nhập Niết Bàn; khánh thành tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Đây là sự kiện trọng đại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, tạo sức hút mới cho di tích danh thắng Yên Tử, khẳng định phương châm Đạo pháp đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam.
Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, nhằm tôn vinh công đức vĩ đại của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, Nhà nước đã phê duyệt dự án xây dựng bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông từ nguồn kinh phí xã hội hóa.
Tượng được đúc bằng đồng nguyên khối, theo phương pháp thủ công của các làng nghề Đại Bái (Bắc Ninh), Ý Yên (Nam Định), cao 15m với tổng trọng lượng 150 tấn và được đặt tại núi Yên Tử.
Trong ba ngày, từ mùng 1 đến mùng 3 tháng 12 (tức ngày 29, 30 tháng 10 và mùng 1 tháng 11 âm lịch), Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ long trọng tổ chức Đại lễ tưởng niệm 705 năm ngày nhập Niết bàn và khánh thành tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Trong khuôn khổ chương trình Đại lễ sẽ diễn ra nhiều hoạt động như Hội thảo khoa học “Khu di tích, danh thắng Yên Tử - định hướng và phát triển,” các Nghi lễ tâm linh tưởng niệm, khai quang yên vị tượng Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Theo Thượng tọa Thích Thanh Quyết - Trưởng Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh, đến nay các công việc liên quan đến Đại lễ như bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, chỉnh trang di tích, thông tin tuyên truyền… đang được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh và các ban, ngành gấp rút triển khai.
Trần Nhân Tông, vị Hoàng đế thứ ba triều Trần, sinh năm Mậu Ngọ 1258, lên ngôi Hoàng đế lúc 21 tuổi. Ngài đã 2 lần trực tiếp cầm quân đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông. Năm 41 tuổi, vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngôi vị, xuất gia, tu hành tại chùa Hoa Yên-Yên Tử, sáng lập ra dòng Thiền Trúc lâm - một dòng thiền đặc hữu của Việt Nam, được tôn xưng là Trúc Lâm Đệ Nhất Tổ.
Thiền cho bậc đế vương có khả năng bao dung, hội nhập tất cả các hệ phái Phật giáo, các yếu tố văn hóa, tư tưởng đương thời để hình thành một hệ tư tưởng, một lối sống mới của dân tộc Việt Nam.
Hiện Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam đang phối hợp với các ban, ngành liên quan lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Đức Vua-Phật hoàng Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hóa thế giới; Khu di tích lịch sử văn hoá nhà Trần tại Đông Triều và Khu di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng Yên Tử là Di sản văn hóa thế giới./.