Thông tin từ Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh ngày 23/5 cho biết, đêm nhạc trình diễn các tác phẩm âm nhạc cổ điển nổi tiếng thế giới sẽ diễn ra tối 26/5 tại Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh.
Các nghệ sỹ sẽ biểu diễn "Concerto số 2" dành cho piano của Rachmaninov và bản giao hưởng số 7 của Beethoven.
Chương trình do nghệ sỹ ưu tú Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh chỉ huy.
Nghệ sỹ piano tài năng Nguyễn Bích Trà, con gái của nghệ sỹ nhân dân Trà Giang sẽ trình diễn trong đêm nhạc này.
Cô gửi đến công chúng yêu nhạc bản "Concerto số 2" dành cho piano của Rachmaninov. Cô thường được biết đến nhiều hơn với tên Trà Nguyễn, hiện tại, cô sinh sống tại London, Vương quốc Anh.
Lần gần đây nhất cô biểu diễn cùng dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10/2018 với tác phẩm concerto duy nhất dành cho piano của Gershwin.
[Thưởng thức tuyệt phẩm của Beethoven cùng tứ tấu đàn dây Vera Quartet]
Sergei Rachmaninov hoàn thành "Concerto số 2" dành cho piano vào năm 1909 sau khi ông trải qua giai đoạn sa sút tinh thần nghiêm trọng và đây cũng là bản concerto nổi tiếng nhất của ông.
Tác phẩm gồm 3 chương, cấu trúc truyền thống của thể loại concerto. Tác phẩm này đã được sử dụng trong nhiều bộ phim nổi tiếng, giai điệu chủ đề của tác phẩm cũng trở thành nền tảng của nhiều ca khúc nổi tiếng.
Bộ phim nổi tiếng nhất đã sử dụng tác phẩm này là “Brief Encounter” của đạo diễn David Lean, kịch bản Noel Coward, sản xuất năm 1945.
Bản concerto này đã trở thành phần không thể thiếu của bộ phim, chỉ cần nghe lại phần âm nhạc, người ta có thể hình dung ra được các cảnh trong phim.
Việc sử dụng âm nhạc Rachmaninov đã khiến cho bộ phim trở thành một bộ phim Anh kinh điển.
Bản concerto cũng xuất hiện trong bộ phim “Shine” của Scott Hicks, sản xuất năm 1996 kể về một nghệ sỹ chơi piano trẻ tuổi trải qua hành trình khó khăn để đạt được sự công nhận.
"Bản giao hưởng số 7" của Beethoven là một trong 5 tác phẩm vĩ đại nhất của ông cùng với giao hưởng số 3, 5, 5 và 9.
Ông sáng tác bản giao hưởng này khi đang an dưỡng. Tác phẩm được hoàn thành vào năm 1812 và được tác giả dành tặng cho bá tước Moritz von Fries…
Rachmaninov (1873-1943) là nhà soạn nhạc sinh ra tại Nga, ông được đánh giá là người tiên phong trong việc sử dụng chất liệu Jazz trong các tác phẩm cổ điển.
Beethoven (1770-1827) là nhà soạn nhạc cổ điển đã mở rộng âm nhạc cổ điển, mở đầu thời kì sơ khai của kỷ nguyên âm nhạc lãng mạn.
Hiện tại, Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực làm tốt 3 nhiệm vụ quan trọng là biểu diễn các tác phẩm kinh điển trong nước và quốc tế; giới thiệu đến khán giả âm nhạc Việt Nam đương đại do các nhạc sỹ Việt Nam sáng tác, sử dụng các chất liệu truyền thống; các đêm nhạc phim.../.