Sau 4 tháng, Việt Nam có 19 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD

Xuất khẩu Điện thoại và linh kiện tiếp tục đứng đầu nhóm hàng công nghiệp chế biến khi đem về 18,4 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.
Sau 4 tháng, Việt Nam có 19 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD ảnh 1Xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong 4 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước.

[Dù COVID-19, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn vượt 2 con số]

Đáng chú ý, tính đến hết tháng 4/2021, cả nước có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD.

Những mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn, bao gồm: Điện thoại và linh kiện đạt 18,4 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 15,9 tỷ USD, tăng 30,8%.

Ngoài ra, xuất khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 12 tỷ USD, tăng 76,9%; hàng dệt may đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9%; giày dép đạt 6,4 tỷ USD, tăng 18,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5 tỷ USD, tăng 50,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 3,5 tỷ USD, tăng 28%; sắt thép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 87,9%; thủy sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 6,1%.

Xuất khẩu các mặt hàng may mặc, giày dép vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, song với nhiều giải pháp về sản xuất và thị trường nên 4 tháng vừa qua đã phục hồi tốt.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 9,5 tỷ USD; giày dép các loại tăng 18,7%, đạt 6,39 tỷ USD; xơ, sợi dệt các loại tăng 43,4%, đạt 1,64 tỷ USD; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 14,1%, đạt 642 triệu USD…

- Đóng góp của một số mặt hàng chủ lực trong 4 tháng đầu năm:

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), các doanh nghiệp dệt may, da giày đã gặp khó khăn trong năm 2020 nhưng đến những tháng đầu năm 2021 đã có những thay đổi hết sức tích cực.

Điều này cũng đã thể hiện qua kim ngạch của ngành da giày tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 2, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm 2021.

“Đây là những tín hiệu đáng mừng và thể hiện sự năng động của các doanh nghiệp…,” ông Trần Thanh Hải nói.

Như vậy, với sự đóng góp tích cực của các mặt hàng chủ lực đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu chung của Việt Nam trong năm 2021./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.