“Đổi mới” mở ra bước ngoặt lịch sử cho kinh tế Việt Nam, tuy nhiên chặng đường này đã chuyển sang một giai đoạn khác và đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ của cả hệ thống kinh tế, để có thể thích ứng với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng.
Trước bối cảnh đó, chủ trương tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng được đưa ra Chính phủ đưa ra và giành được sự đồng thuận tuyệt đối trong xã hội.
Song tổng kết quá trình 5 năm thực hiện, kết quả thực hiện từ ba tuyến đột phá “nợ xấu ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (trọng tâm là cổ phần hóa), thay đổi cơ chế đầu tư công” còn rất khiêm tốn.
Thiếu động lực
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2016 với chủ đề “Thách thức tái cơ cấu và triển vọng, ” ngày 12/10, tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, “5 năm vật lộn với tái cơ cấu cũng là quãng thời gian khó khăn nhất trong 30 năm đổi mới. Quá trình tái cơ cấu tiến triển rất chậm, thành quả đạt được khá hạn chế, còn xa mới đạt mục tiêu và kỳ vọng.”
Ông thẳng thắn chỉ ra, cơ chế đầu tư công thực chất vẫn chưa thay đổi, khi mà cơ chế “Xin - Cho” là chính. Trong khi đó, khó khăn ngân sách đang trở nên trầm trọng hơn và nợ công tăng nhanh. Thêm vào đó, mặc dù hệ thống ngân hàng được cho là đã trụ qua cơn sóng gió, song “cục máu đông - nợ xấu” hầu như vẫn còn nguyên, thậm chí khối lượng có dấu hiệu tăng lên.
“Hệ thống ngân hàng đang thanh lọc, loại bỏ những bộ phận yếu kém, hư hỏng, song nội tại lại rất yếu và vận hành trên một nền tảng rất thiếu vững chắc. Bên cạnh đó, hệ thống doanh nghiệp nhìn chung là yếu, đặc biệt lực lượng doanh nghiệp nội địa (cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân) thấp về đẳng cấp, thực lực và sức cạnh tranh,” ông Thiên nói.
Về hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, theo ông Thiên, số lượng đã thực hiện không ít nhưng thực chất tái cơ cấu thông qua cổ phần hóa, như phân bổ lại nguồn vốn quốc gia, chuyển một phần nguồn vốn cho khu vực tư nhân quản lý sử dụng lại đạt được không đáng kể. Bởi, chỉ có khoảng 10%-15% tổng số vốn của các doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa.
“Đây thực sự là một tỷ lệ quá ít ỏi để thay đổi hệ thống quản trị doanh nghiệp, yếu tố cốt lõi cải thiện căn bản hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước vẫn theo logic - hoàn thành nhiệm vụ, được dẫn dắt bởi chủ nghĩa thành tích, chứ không phải đi vào thực chất của sứ mệnh.” Ông Thiên đánh giá, “quá trình tái cơ cấu diễn ra dường như thiếu có động lực thúc đẩy, niềm tin và sự lạc quan, hào hứng như thời ‘Đổi mới’.”
"Luôn muốn tăng thêm chi viện từ ngân sách trung ương"
Một trong những rào cản được giáo sư Nguyễn Quang Thái, Viện nghiên cứu phát triển Việt Nam chỉ ra, đó là bộ máy tổ chức thực hiện quá công kềnh và
và nói như Nghị quyết (như sách).
Giáo sư chỉ ra một thực tế, các đơn vị chức năng thường chọn những quy định “hợp ý - lợi ích cục bộ” để thực hiện, do đó sự phối hợp với nhau cũng như kết quả đạt được là rất kém.
Cụ thể ông chỉ ra, bệnh "thành tích" có thể thấy qua việc tính tốc độ GDP ở các địa phương tăng đến 1,8 lần cả nước và dù sau đó có điều chỉnh song vẫn sai đến 1,3 lần. Những con số này lại được dùng làm căn cứ cho các mục tiêu kế hoạch, điều này cho thấy sai sót trong thực hiện đã có mầm mống từ “Nghị quyết”.
Giáo sư chỉ ra “căn bệnh nan y”, các địa phương đều muốn được giao nhiệm vụ thu ngân sách ở mức thấp đồng thời luôn muốn tăng thêm chi viện từ ngân sách trung ương, vì vậy tình hình tăng nợ công là điều khó tránh khỏi.
“Chưa kể đến, trong bối cảnh mới của hội nhập quốc tế sâu rộng, cách mạng công nghệ thế giới chuyển sang giai đoạn mới mang tính tích hợp (cách mạng kỹ thuật lần thứ tư) và cộng thêm thách thức biến đổi khí hậu mang tính toàn cầu, thì những biện pháp ứng phó vẫn tách rời nhau. Còn phải kể thêm, hiện trạng tham nhũng (nội xâm) và sự phá hoại của các thế lực bên ngoài chống phá sự phát triển càng làm cho các khó khăn khách quan thêm nặng nề,” ông nói.
Ghi nhận ý kiến trên, tiến sĩ Nguyễn Đình Thiên chia sẻ, sau 30 năm “Đổi mới”, quãng thời gian đủ để Hàn Quốc vươn mình trở thành nước công nghiệp phát triển, song nền kinh tế Việt Nam vẫn ở đẳng cấp phát triển thấp, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, gia công, lắp ráp. Hơn 80% số doanh nghiệp sử dụng công nghệ thấp và trung bình thấp.
“Tụt hậu và tụt hậu xa hơn, đã chuyển từ nguy cơ lớn nhất thành hiện thực ngày càng rõ,” ông Thiên quan ngại.
“Mỗi sáng ngủ dậy” mất hàng chục, trăm tỷ đồng
Đến hết năm 2015, cả nước còn 843 doanh nghiệp có vốn sở hữu Nhà nước (100%), với tổng tài sản 3,1 triệu tỷ đồng (148 tỷ USD), trong đó vốn chủ sở hữu là 1,2 triệu tỷ đồng (58 tỷ USD), tổng doanh thu 1,7 triệu tỷ đồng (81 tỷ USD), lợi nhuận trước thuế đạt 187 nghìn tỷ đồng (8,9 tỷ USD).
Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, quy mô doanh nghiệp Nhà nước thì lớn song hoạt động đầu tư lại kém hiệu quả, nhiều doanh nghiệp liên tục thua lỗ làm hao mòn nguồn lực và tổn hại đến sự thịnh vượng quốc gia.
Ông đau sót đưa ra những dẫn chứng, Dự án xơ sợi Đình Vũ (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) có vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng song đã bị “chết lâm sàng.” Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng có vốn đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, nhưng 4 năm lỗ 2.000 tỷ đồng, Nhà máy 12.000 tỷ đồng này đang "sống dở chết dở.”
Tiếp đến, Đạm Ninh Bình cũng dừng sản xuất từ hơn 1 tháng trở lại đây, 400 công nhân phải nghỉ việc tạm thời. Năm đầu sản xuất (2012), Nhà máy lỗ 75 tỷ đồng và ba năm sau (2013 – 2015) lỗ tiếp trên 1.629 tỷ đồng. Kế đến, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng đang nằm bất động, mặc cho thời gian “sương gió” tàn phá những thiết bị nghìn tỷ đồng này…
Ông Cung lên tiếng, “trật tư ưu tiên chính sách rất cần phải thay đổi, cần chấm dứt ngay thực tế ‘sáng ngủ dậy, Nhà nước bị mất hàng chục, thậm chí cả trăm tỷ’, phải đóng cửa và cho phá sản các doanh nghiệp ‘đã chết lâm sàng.’ Sự suy giảm hiệu quả sử dụng vốn, tài sản mà trước hết là khu vực Nhà nước cần phải chấm dứt.”
Theo ông, tình trạng trên không được giải quyết sẽ dẫn tới căn bệnh “nghiện đầu tư” và khi nó phá vỡ các cân đối lớn, gây bất ổn kinh tế vĩ mô sẽ khiến lòng tin vào chính sách bị suy giảm, kéo theo sự kỳ khủng hoảng tăng và khi đó người dân thay vì bỏ vốn vào các kênh đầu tư lại quay sang các hoạt động mang tính đầu cơ và cái giá cho huy động vốn sẽ trở nên càng cao.
Ông Cung kiến nghị, Chính phủ cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cải thiện môi trường kinh doanh, đột phá về thể chế toàn diện, không chỉ là tập trung cải cách thủ tục hành chính như hiện nay. Về cải cách tư pháp - tòa án, cần phân biệt và tách biệt rõ tòa hình sự và tòa thương mại, không hành chính hóa tòa thương mại. Nếu các cải cách được thực hiện, khoa học công nghệ sẽ đến với nhu cầu ngày càng tăng lên./.