Trong thời điểm Chính phủ Vương quốc Anh (ngày 16/8) vừa công bố chính thức loạt tài liệu về dàn xếp rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) với các lựa chọn và quan điểm rõ ràng, cụ thể là "liên minh hải quan tạm thời" trong giai đoạn chuyển tiếp sau khi ra khỏi khối (còn gọi là Brexit), phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Giles Lever về Brexit.
Cuộc trao đổi hướng vào những liên quan giữa Việt Nam với Vương quốc Anh trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA), về quan điểm của Anh trong quan hệ thương mại-đầu tư với Việt Nam, cơ hội đặt ra cho doanh nghiệp Việt sau Brexit, về hợp tác giáo dục, đặc biệt là vấn đề sinh viên Việt Nam du học tại Anh một khi Brexit hoàn tất.
Phóng viên: Brexit được coi là cuộc đàm phán rất phức tạp. Không dễ dàng để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này. Theo quan điểm của ngài, làm thế nào để tránh những hiểu lầm về Brexit?
Đại sứ Giles Lever: Đúng vậy, đó là một tiến trình phức tạp. Là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), chúng tôi có mối liên hệ sâu rộng về quan hệ thể chế, pháp lý trong nhiều lĩnh vực nhưng Chính phủ Anh vẫn tin tưởng rằng chúng tôi có thể và sẽ thực hiện thành công tiến trình rời khỏi EU.
[Anh tuyên bố muốn tiếp tục ở lại trong liên minh hải quan với EU]
Tôi nghĩ rằng để hiểu được những gì đang diễn ra là phải đọc và lưu ý tới các công bố của Chính phủ Anh về Brexit, vì cách tiếp cận tổng thể của chúng tôi là rất minh bạch và Thủ tướng Anh đã có bài diễn văn hồi tháng Một (1/2017), trong đó bà đã vạch rõ những nguyên tắc then chốt cho việc thực hiện cuộc đàm phán (Brexit) và những mục tiêu của chúng tôi cho mối quan hệ đối tác tương lai với EU và sau đó công bố điều mà chúng tôi coi là “Sách Trắng,” hay còn gọi là bộ các đề xuất chính thức, theo đó giải thích chi tiết các ưu tiên của chúng tôi và chia những nguyên tắc này thành 12 lĩnh vực.
Ngày hôm nay (15/8), Chính phủ Anh công bố chi tiết một loạt các tài liệu về những khía cạnh cụ thể của Brexit. Tài liệu này nói về các lựa chọn tương lai cho mối quan hệ của chúng tôi với Liên minh Thuế quan (EU) vốn từng là một thực thể thuế quan đơn nhất. Là một phần của Liên minh Thuế quan, chúng tôi sẽ có mối quan hệ khác với liên minh này trong tương lai. Vì thế nên chính phủ chúng tôi đã công bố tài liệu để đặt ra 2 lựa chọn chính cho mối quan hệ của chúng tôi với vấn đề thuế quan, và với EU trong các thuật ngữ về thuế quan sau khi chúng tôi không còn là thành viên EU.
Và trong vòng vài tuần nữa, tới cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9/2017, chúng tôi sẽ công bố một loạt tài liệu về những khía cạnh khác, theo đó nêu rõ quan điểm của chúng tôi về mối quan hệ tương lai. Chúng tôi đang nỗ lực đạt được điều đó bằng cách đặt ra một vài tình trường hợp cần có giai đoạn chuyển giao giữa việc chính thức rời EU trong năm 2019 và đưa các dàn xếp mới này vào hiệu lực.
[Nước Anh bác tin hoãn vòng đàm phán Brexit vào tháng 10]
Chính phủ Anh đã có quan điểm rõ ràng và một trong các ưu tiên của chúng tôi là tránh tạo ra bất ổn. Chúng tôi muốn gửi trước tới người dân, giới doanh nghiệp ở châu Âu và ở Vương quốc Anh những thông tin rõ ràng nhất có thể về những công việc đang diễn ra và tái đảm bảo rằng sẽ không có những thay đổi bất ngờ nào trong ngắn hạn.
Vì thế nên, nếu mọi người muốn biết cách tiếp cận của Chính phủ Anh về Brexit, xin mời hãy đọc các tài liệu chúng tôi công bố.
Phóng viên: Hãy nói về Việt Nam. Chúng tôi đang tham gia tiến trình Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Ông có nghĩ rằng Brexit sẽ có ảnh hưởng gì tới tiến trình EVFTA không và tại sao?
Đại sứ Giles Lever: Vâng, EVFTA vẫn chưa có hiệu lực hoàn toàn. Đã có một thỏa thuận nhất định nhưng tiến trình ký kết và phê chuẩn chính thức vẫn chưa diễn ra. Vương quốc Anh luôn là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại, nó là một phần trong cuộc thảo luận Brexit, chúng tôi có quan điểm rõ ràng rằng chúng tôi vẫn tiếp tục ủng hộ đàm phán cho một thỏa thuận thương mại mới có hiệu lực giữa EU và những nước thứ ba.
Vậy nên, hoàn toàn không có lý do gì để vấn đề Brexit ảnh hưởng tới tiến trình ký kết và phê chuẩn EVFTA, mà trái lại, chúng tôi ủng hộ hiệp định này mạnh mẽ. Tôi nghĩ đó sẽ là hình mẫu cho một hiệp định tự do thương mại thế hệ mới. Đó là một trong những hiệp định FTA tham vọng và toàn diện nhất mà EU từng hoàn thành với một quốc gia có thu nhập trung bình. Và vì thế, nó sẽ đặt ra một chuẩn mực cho những thỏa thuận dạng này.
[Anh cam kết miễn thị thực nhập cảnh cho công dân EU sau Brexit]
Với tư cách một quốc gia ủng hộ tự do thương mại, chúng tôi muốn chứng kiến EVFTA có hiệu lực. Dù trong tình huống nào, chúng tôi luôn ủng hộ EVFTA và các bộ trưởng Vương quốc Anh, trong đó có Bộ trưởng Thương mại Liam Fox, khi ông đi thăm Việt Nam đã từng nói rõ quan điểm này với Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng như các lãnh đạo khác của Việt Nam.
Phần thứ hai của câu hỏi là điều gì sẽ xảy ra sau Brexit. Với Vương quốc Anh, Việt Nam là thị trường phát triển nhanh chóng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Việt Nam đã xuất khẩu kim ngạch hàng hóa lớn sang Anh, cao gấp 7 lần kim ngạch xuất khẩu của Anh sang Việt Nam. Vậy nên, cả hai nước đều có lợi ích qua lại. Để đảm bảo mối quan hệ thương mại không bị gián đoạn sau khi Vương quốc Anh rời khỏi EU, những gì chúng tôi đang làm hiện nay là trông đợi Chính phủ Anh, bằng nhiều cách, sẽ dàn xếp giai đoạn chuyển giao với những FTA hiện hữu của EU với nước thứ ba, đó không chỉ là Việt Nam mà còn còn nhiều quốc gia khác.
Những gì chúng tôi đang làm hiện nay là thảo luận với các nước thứ ba về mặt kỹ thuật để chúng ta có thể chuyển giao từ một FTA của EU sang một hiệp định song phương sau Brexit. Mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo với các nước, trong đó có Việt Nam, rằng sau khi Anh rời EU, sẽ không có chuyện kim ngạch thương mại song phương bất ngờ sa sút so với trước đây. Và niềm tin của tôi là dựa trên những thảo luận ban đầu với Việt Nam, rằng chúng ta có thể đạt được điều đó.
Phóng viên: Với các doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ thương mại với đối tác Anh, hay những sinh viên Việt Nam muốn tìm cơ hội du học ở Vương quốc Anh, ngài muốn nói gì với họ?
Đại sứ Giles Lever: Về lĩnh vực kinh doanh, tôi muốn nói rằng Vương quốc Anh vẫn là một đối tác thương mại lớn, nước Anh vẫn là địa điểm lý tưởng để đầu tư và đặc biệt ở thời điểm này, khi chúng ta nói nhiều về đầu tư của Anh vào Việt Nam, nhưng chúng tôi cũng như các bạn, muốn thu hút đầu tư vào nước Anh. Và hiện tại, đã có một lượng đáng kể đầu tư của các nước Đông Nam Á vào Anh. Tôi hy vọng trong tương lai, doanh nghiệp Việt sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Anh, ví dụ như đặt chi nhánh châu Âu hay các văn phòng đại diện, hay đầu tư vào chuỗi cung ứng của họ...
Về một phần trong câu hỏi của anh, tôi nghĩ rằng sau khi rời khởi EU, chúng tôi sẽ phải có cách phát triển các quan hệ của mình với phần còn lại của thế giới. Và có một thực tế là khu vực Đông Á đang trở nên ngày càng quan trọng hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Phần lớn đà tăng trưởng của kinh tế thế giới đến từ khu vực này.
Vậy nên, chúng tôi có quan điểm rõ ràng là sau Brexit, chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực hợp tác với những nước như Việt Nam, không chỉ là đối tác trong thương mại và đầu tư mà còn là đối tác trong các vấn đề như giáo dục, khoa học-kỹ thuật, giải quyết các thách thức toàn cầu và khu vực như biến đổi khí hậu hay buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Chúng tôi sẽ tiếp tục các nỗ lực để nước Anh năng động và can dự một cách tích cực ở tầm toàn cầu sau Brexit.
Với các sinh viên, nước Anh vẫn là địa điểm lý tưởng để du học, nghiên cứu. Trong số 20 trường đại học top đầu thế giới, nước Anh đứng thứ hai về số lượng trường, thậm chí lả cả trong 10, top 100 trường, chỉ sau Hoa Kỳ. Và chất lượng sinh viên quốc tế tại các trường đại học Anh là rất cao.
Đã có nhiều cuộc tranh luận quốc tế rằng Brexit có ý nghĩa như thế nào với chính sách nhập cư và tác động của nó với cụ thể là các sinh viên nước ngoài tới Anh du học. Và câu trả lời mấu chốt là thế này: Không hề có giới hạn nào về số lượng sinh viên quốc tế tới nước Anh du học và tôi không nghĩ rằng quan điểm này sẽ thay đổi. Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn phải cạnh tranh với các nước khác cũng đang muốn thu hút sinh viên Việt Nam sang học. Tôi nghĩ rằng Vương quốc Anh vẫn duy trì vị thế là địa điểm lý tưởng cho sinh viên Việt Nam du học nhờ chất lượng của các trường đại học của chúng tôi trong giảng dạy. Chúng tôi sẽ không đóng sập cánh cửa trong vấn đề này.
Cùng lúc này, tôi và các cộng sự ở sứ quán Vương quốc Anh vẫn nỗ lực khuyến khích các trường đại học Anh mở rộng quan hệ đối tác với với các trường đại học Việt Nam. Vì thế nên các sinh viên Việt không nhất thiết phải sang tận nước Anh để có thể lấy một tấm bằng được trường đại học Anh công nhận. Chúng tôi đã có các quan hệ đối tác giáo dục xuyên quốc gia. Tôi mới dự một sự kiện như thế giữa trường Đại học Bedfordshire và trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Đó là sự hợp tác rất hiệu quả. Chúng tôi hy vọng sẽ còn nhiều sự hợp tác như vậy.
Vậy nên, việc hưởng thụ nền giáo dục chất lượng Anh không chỉ là việc phải sang tận nước Anh mà vấn đề là các sinh viên Việt Nam tìm cách có thể tiếp cận được với trải nghiệm giáo dục đó và chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện kế hoạch này./.
Phóng viên: Xin cám ơn ngài Đại sứ về cuộc trao đổi này./.