Không chỉ đường bộ, đường thủy mà giờ đây, các đầu nậu đang đẩy mạnh đưa hàng lậu qua tuyến hàng không.
Đưa ra thông tin tại buổi tọa đàm: "Chống buôn lậu- giải pháp trong những tháng cuối năm" do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức chiều 14/11, lãnh đạo Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, lực lượng chắc năng đã phát hiện nhiều vụ buôn lậu ngà voi, ma túy đến cả vũ khí qua đường hàng không.
Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho hay, các vụ vận chuyển hàng lậu được phát hiện nhiều tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất.
"Nhiều năm qua Ban chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành và đạt được nhiều kết quả nhất định, nhưng buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp," Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo 389 nói.
Có thể thấy, phương thức, thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi, nhiều vụ khi bị bắt giữ nhưng chủ hàng lại điều hành từ nước ngoài, gây không ít khó khắn cho lực lượng thực thi pháp luật.
Nói về những khó khăn này, theo Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, hoạt động buôn lậu được tổ chức khép kín và các ông trùm rất ít lộ diện..
Lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cũng không loại trừ có sự tiếp tay của một số cán bộ chức năng tại biên giới để hàng lậu có thể lọt vào thị trường nội địa, gây khó cho công tác đấu tranh, ngăn chặn.
"Việc bắt giữ đã khó và xử lý lại càng khó hơn. Thống kê cho thấy, số vụ khởi tố chỉ chưa tới 10% trên tổng số vụ việc bắt giữ," Trung tướng Đồng Đại Lộc cho hay.
Để nâng cao hiệu quả chống buôn lậu, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cho biết, từ nay đến cuối năm, lực lượng công an sẽ đẩy nhanh việc xử lý các vụ án, làm rõ các đối tượng phạm tội.
Cùng với đó, Tổng cục Cảnh sát sẽ mở các đợt cao điểm, tấn công mạnh vào các đường dây, ổ nhóm từ biên giới đến các tuyến buôn lậu trọng điểm, qua đó ngăn chặn hoạt động đưa hàng lậu vào Việt Nam.
Sự phối hợp trong công tác chống buôn lậu sẽ đồng bộ cùng với sự tham gia của nhiều lực lượng.
Trong nội địa, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cũng cho biết, lực lượng này sẽ xác định các mặt hàng trọng điểm về buôn lậu để từ đó có giải pháp ngăn chặn một cách hiệu quả.
Cụ thể, các mặt hàng rượu, bia, thuốc lá, mỹ phẩm sẽ có những chuyên đề riêng để thực hiện công tác đấu tranh và ngăn chặn từ xa.
Tuy nhiên, về lâu dài, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường kiến nghị, cần sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương, kể cả các doanh nghiệp trong việc đảm bảo hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng./.