Sau năm 2019, người tiêu dùng hưởng lợi vì giá nhiều dòng ôtô giảm

Mặc dù Thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường sẽ điều chỉnh tăng để bù đắp cho việc cắt giảm thuế nhập khẩu ôtô cắt giảm, nhưng người tiêu dùng sẽ được lợi Tuy nhiên theo đại biểu Bùi Đức Thụ, sa
Sau năm 2019, người tiêu dùng hưởng lợi vì giá nhiều dòng ôtô giảm ảnh 1Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ, đoàn Lai Châu (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để bù đắp cho việc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với ôtô theo các cam kết quốc tế, nhiều loại thuế khác - thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế môi trường - sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Đức Thụ, sau năm 2019, giá nhiều dòng xe ôtô sẽ giảm và người tiêu dùng trong nước chắc chắn sẽ được hưởng lợi.

Bên lề kỳ họp thứ 10, quốc hội khóa 13, Đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những tác động của ngành ôtô Việt Nam trước quá trình hội nhập sâu với thế giới.

- PV: Chính phủ vừa trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt, điểm đặc biệt là lộ trình cắt giảm thuế sẽ giảm đối với dòng xe ôtô có dung tích từ 2.0 trở xuống, theo ông điều này sẽ tác động như thế nào đến ngân sách?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Việt Nam đã ký hiệp định thương mại song phương và đa phương với nhiều nước như ASEAN, Việt Nam-EU... và một trong những cam kết của Chính phủ Việt Nam là dỡ bỏ dần hàng rào thuế quan đối với mặt hàng ôtô, tiến tới mức bằng 0%.

Sau năm 2019, người tiêu dùng hưởng lợi vì giá nhiều dòng ôtô giảm ảnh 2Hình chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tuy nhiên, việc mở cửa thị trường đối với mặt hàng ôtô cũng dẫn đến một loạt những vấn đề trong việc quản lý đất nước nhất là về kinh tế tài chính. Cùng với đó, việc mở cửa thị trường ôtô sẽ dẫn đến làm tăng áp lực đối với hệ thống giao thông nhất là tại các thành phố lớn.

Bên cạnh đó, việc mở cửa thị trường cũng đồng nghĩa với việc giảm thuế xuất nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng. Điều này sẽ tác động lớn tới ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh ngân sách của Việt Nam vẫn đang bội chi cao và tiến sát mức trần.

Đơn cử, trong năm 2015, dư nợ công có thể lên đến 61,3% GDP và nợ của Chính phủ cũng đến gần 49% còn nợ quốc gia cũng rất cao. Trước thực tế đó cần có giải pháp để xem xét về mặt tài chính nhằm vừa đảm bảo yêu cầu hội nhập theo các cam kết quốc tế đồng thời đảm bảo việc quản lý tài chính, kinh tế của quốc gia.

- PV: Với lộ trình cắt giảm thuế bắt buộc, ông đánh giá thế nào về bức tranh của ngành ôtô trong nước?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Việc mở cửa thị trường nhất là lĩnh vực ôtô cũng gây sức ép đối với sản xuất trong nước. Sau nhiều năm chúng ta khuyến khích nội địa hóa, cũng kỳ vọng có những thương hiệu ôtô riêng của Việt Nam nhưng đến bây giờ nhiều mục tiêu vẫn còn ở mức thấp. Do vậy, việc mở cửa thị trường và cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ có thể dẫn tới ngành sản xuất ôtô trong nước sẽ khó khăn hơn.

Từ tất cả các yếu tố trên, chúng ta phải có giải pháp nhất là về tài chính và thuế. Trong kỳ quốc hội lần này, Chính phủ cũng trình Quốc hội một số luật về thuế nhằm xử lý tình trạng thuế nhập khẩu cắt giảm theo lộ trình.

Cụ thể, Chính phủ đã đề nghị điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng với mặt hàng ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.0 thì thuế suất giảm, ngược lại những loại ôtô có dung tích từ 2.0 lít trở lên thì tùy theo từng mức độ sẽ có sự điều chỉnh thuế tăng dần để bù lại một phần sự sụt giảm của thuế nhập khẩu, qua đó có thể đảm bảo cân đối được ngân sách nhà nước.

PV: Vậy giá ôtô trong nước có giảm mạnh không, hay chỉ tập trung vào một số dòng xe nhất định mà nhà nước khuyến khích, thưa ông?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Nếu khi thuế giảm thì về quy luật thì giá hạ theo, nhưng cũng như mặt hàng xăng dầu, nhà nước có thể điều tiết bằng việc nâng thuế nhập khẩu, thuế môi trường... điều đó dẫn tới việc giá xăng dầu trong nước có thể không giảm cùng tỷ lệ với mức độ của thế giới.

Tương tự, đối với ngành ôtô còn phụ thuộc vào các sắc thuế, chính sách thuế của nhà nước điều tiết đối với mặt hàng này. Về xu hướng lâu dài, việc mở cửa thị trường sẽ đồng nghĩa với việc giá ôtô trong nước giảm và việc giảm giá này sẽ gây ra nhiều tác động bất lợi đối với sản xuất ôtô trong nước, nhưng phải khẳng định là có lợi hơn cho người tiêu dùng, bởi việc hạ giá sản phẩm nào đó đều nhằm mục đích nâng cao đời sống phúc lợi của người dân.

Nhiệm vụ của nhà nước là phải đánh giá đầy dủ những tác động của việc mở cửa thị trường, của việc giảm thuế, để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa nhà nước, các doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chờ xem lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế như thế nào và mức độ giảm thuế nhập khẩu bao nhiêu? nhất là đối với dòng xe dung tích trên 2.0 trở lên việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt là bao nhiêu?

Nếu như mức giảm của thuế nhập khẩu lớn hơn mức điều chỉnh dự kiến mà quốc hội thông qua thì rõ ràng giá ôtô sẽ giảm và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Còn nếu việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mà lớn hơn so với thuế nhập khẩu thì giá xe có thể tăng lên.

Tất cả các yếu tố này còn phụ thuộc vào mức độ động viên từng sắc thuế, tính chung lại trên đầu từng phương tiện một thì mới xem xét được.

- PV: ​Theo ông các sắc thuế liên quan đến ôtô sẽ theo chiều hướng nào để có thể vừa đảm bảo nhà nước không bị hụt thu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ôtô?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Rõ ràng xu hướng chung là giá ôtô sẽ giảm vì muốn hay không muốn đến năm 2019 thuế nhập khẩu giảm, còn thuế tiêu thụ đặc biệt dù điều chỉnh lên để bù lại một phần việc giảm của thuế nhập khẩu nhưng việc điều chỉnh tăng các sắc thuế khác như: Thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt có giới hạn bởi lẽ việc tăng các loại thuế trên cũng sẽ áp dụng chung đối với cả sản xuất ôtô trong nước.

Như vậy, nếu tăng quá nhiều hai loại thuế trên sẽ dẫn đến tình trạng là động lực phát triển kinh tế, khả năng hấp dẫn đầu tư quốc tế vào lĩnh vực này bị hạn chế nên việc hoạch định thuế trong nước tăng giảm như thế nào cũng phải đặt trong bài toán tổng thế, lấy chung dài hạn làm trọng chứ không phải lấy việc xử lý trước mắt để xử lý nóng.

- PV: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.