Theo Tân Hoa xã, khi năm 2019 sắp kết thúc, những người bi quan ở Trung Quốc một lần nữa có thể tìm thấy một ít bằng chứng để khuếch trương những tuyên bố thiếu hiểu biết và gây hiểu lầm về nền kinh tế.
Trong mắt họ, sụp đổ và ảm đạm dường như là kịch bản duy nhất có thể xảy ra đối với Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp thương mại và những bất ổn bên ngoài không ngừng gia tăng.
Và giờ đây họ ngạc nhiên, thậm chí là hoảng loạn, khi khả năng phục hồi và sức mạnh của nền kinh tế Trung Quốc đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại.
Dưới đây là một thực tế chứng minh ít nhất 6 tuyên bố sai lầm khi cho rằng kinh tế Trung Quốc sụp đổ trong năm nay.
Tăng trưởng giảm tốc tự nhiên hay ảm đạm?
Một số doanh nhân có tâm trạng lo sợ từ lâu đã cố gắng rêu rao thông điệp về sự "hạ cánh cứng" của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng sự tăng trưởng phục hồi trong năm nay đã khiến cho lý thuyết này trở nên mong manh hơn.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia (NBS), GDP của Trung Quốc đã tăng 6,2%/năm trong 3 quý đầu năm 2019.
[Những điểm sáng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2019]
Sự tăng trưởng, phù hợp với mục tiêu hàng năm của chính phủ là 6-6,5% được đặt ra cho năm 2019, vẫn vượt xa các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Ấn Độ.
Ahmed Saeed, Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á, nhận định sự chậm lại, thay vì giảm mạnh, "nằm trong dự đoán và không đáng ngạc nhiên hay đáng báo động theo bất kỳ ý nghĩa nào," vì nền kinh tế đang đi theo con đường tăng trưởng tự nhiên sau khi đạt tốc độ tăng trưởng chưa từng thấy trong 4 thập kỷ qua.
Tháng 11 vừa qua, cơ quan xếp hạng toàn cầu Fitch đã duy trì xếp hạng tín dụng A+ đối với Trung Quốc, khẳng định triển vọng tăng trưởng ổn định của nước này được hỗ trợ bởi nguồn tài chính bên ngoài và thành tích kinh tế vĩ mô đều mạnh.
Thị trường việc làm ổn định hay khủng hoảng việc làm?
Vượt qua những nghịch cảnh, Trung Quốc đã tạo ra nhiều việc làm, tỷ lệ thất nghiệp ổn định thay vì sa thải hàng loạt như một số người phản đối phỏng đoán.
Dữ liệu của NBS cho thấy 12,79 triệu việc làm tại đô thị mới đã được tạo ra trong 11 tháng đầu năm nay, vượt quá mục tiêu hàng năm là tạo ra hơn 11 triệu việc làm mới.
Do cơ cấu kinh tế của Trung Quốc đã chuyển từ một nền kinh tế công nghiệp sang sang nền kinh tế dịch vụ, ngành dịch vụ ngày càng phát triển, mô hình kinh doanh mới và nhiều chính sách hỗ trợ cũng tạo ra nhiều cơ hội hơn.
Mỗi phần trăm tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc có thể được chuyển thành khoảng 2 triệu việc làm mới, phát ngôn viên của NBS Liu Aihua cho biết. Quan chức này nói thêm rằng thị trường việc làm ổn định nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định, điều chỉnh cơ cấu và đổi mới kinh doanh tiếp tục diễn ra nhanh chóng.
Sản xuất tại Trung Quốc: Bùng nổ hay ảm đạm?
Trong một dấu hiệu khác của khả năng phục hồi kinh tế, "Sản xuất tại Trung Quốc" tiếp tục thể hiện sự năng động bất chấp sức ép giảm giá.
Dữ liệu của NBS cho thấy chỉ số của các nhà quản lý sức mua đối với lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã xuất hiện trở lại biểu đồ tăng trưởng bằng cách tăng lên 50,2 trong tháng 11 so với 49,3 trong tháng 10/2019.
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc, với tư cách là quốc gia duy nhất sở hữu tất cả các loại ngành nghề trong phân loại của Liên hợp quốc, có lợi thế cạnh tranh về chuỗi cung ứng hoàn chỉnh và hiệu quả.
Dữ liệu chính thức cho thấy khi đất nước tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sang tăng trưởng theo định hướng chất lượng, lĩnh vực sản xuất công nghệ cao cũng tiến lên, với sản lượng tăng 8,9% trong tháng 11/2019 và đầu tư tăng 14,8%/năm trong 11 tháng đầu năm, vượt xa mức tăng trưởng trung bình 2,5% của lĩnh vực sản xuất.
Ngoại thương: Chắc chắn hay loạng choạng?
Trái ngược với những gì một số nhà quan sát thị trường có thể phỏng đoán, ngoại thương của Trung Quốc vẫn ổn định trong năm nay, tăng 2,4% so với năm trước lên 28.500 tỷ nhân dân tệ trong 11 tháng đầu tiên với xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao, chất lượng cao và giá trị cao tăng với tốc độ nhanh hơn mức trung bình.
Phạm vi và quy mô của ngoại thương tiếp tục phát triển khi Trung Quốc mở cửa rộng hơn ra thế giới.
Trong 11 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại của Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng, trong khi thương mại với các quốc gia dọc theo "Vành đai và Con đường" được báo cáo là tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình chung, chiếm 29,3% tổng giao dịch.
Cam kết của Trung Quốc về tăng nhập khẩu là rõ ràng khi nước này tổ chức Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc và điều chỉnh thuế nhập khẩu đối với một loạt sản phẩm bắt đầu từ năm tới, cả hai đều cho phép các quốc gia và khu vực khác chia sẻ sự phát triển của Trung Quốc.
Doanh nghiệp nước ngoài: Đầu tư hay rút lui?
Những lo ngại của các công ty nước ngoài rút khỏi Trung Quốc do căng thẳng thương mại và chi phí gia tăng là quá mức, vì nước này đã chứng kiến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 11 tháng đầu năm tăng 6%/năm và hơn 100 công ty có vốn đầu tư nước ngoài mới được thành lập hàng ngày.
Theo một báo cáo của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển, Trung Quốc vẫn là nước nhận vốn lớn thứ hai và lớn nhất trong số các nền kinh tế đang phát triển.
Nước này đã áp dụng các chính sách và biện pháp lập pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh trao quyền bình đẳng về quyền, cơ hội và luật lệ cho các công ty trong và ngoài nước, tăng 15 bậc trên bảng xếp hạng toàn cầu của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh thuận lợi, xếp thứ 31.
Thị trường vốn: Cải thiện hay nổ tung?
Với việc giảm bớt rủi ro và cải thiện hệ thống thị trường, Trung Quốc chứng kiến thị trường vốn tăng mạnh trong năm nay, với Chỉ số chứng khoán Thâm Quyến (Shenzhen Component Index) tăng gần 40% và Chỉ số chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Composite Index) tăng gần 20% kể từ lúc đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018.
Những nỗ lực mở cửa tài chính của Trung Quốc, bao gồm các chương trình kết nối chứng khoán và loại bỏ hạn ngạch QFII & RQFII vào thị trường vốn của đất nước, cũng như đồng tiền quốc tế ngày càng mạnh của họ, khiến tài sản định giá bằng đồng nhân dân tệ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trên thế giới và các trái phiếu QFII & RQFII đã tăng lần lượt 53,56% và 27,6% trong 9 tháng đầu năm nay.
Trên con đường hướng tới tăng trưởng chất lượng cao và bền vững hơn, Trung Quốc vẫn chưa gây bất ngờ cho cả thế giới khi sẵn sàng hoàn tất việc xây dựng một xã hội thịnh vượng ở mức vừa phải trên mọi khía cạnh trong năm tới và biến sức mạnh thể chế của mình thành sự điều hành tốt hơn về lâu dài./.