Sau Trung Quốc, EU sẽ là đối tượng xem xét đánh thuế tiếp theo của Mỹ

Sau khi tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 10/5, ông Trump có thể hướng đến đối tượng EU, khi ông dự kiến đưa ra quyết định đối với mặt hàng ôtô của khối này vào tuần tới.
Sau Trung Quốc, EU sẽ là đối tượng xem xét đánh thuế tiếp theo của Mỹ ảnh 1Ôtô được xếp tại kho bãi gần cảng Richmond, California của Mỹ, ngày 24/5/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau khi tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 10/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể hướng đến đối tượng tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU), khi ông dự kiến đưa ra quyết định đối với mặt hàng ôtô của khối này vào tuần tới.

Trước đó, hồi tháng Hai vừa qua, Tổng thống Trump đã nhận được báo cáo điều tra cho rằng mặt hàng ôtô và linh kiện ôtô nhập khẩu đang đe dọa an ninh quốc gia. Thời gian cân nhắc kéo dài 90 ngày của Tổng thống Donald Trump sẽ kết thúc vào ngày 18/5.

Các nhà sản xuất ôtô dự đoán Tổng thống Trump sẽ gia hạn thời gian này thêm đến 6 tháng, dù ông vẫn có thể sẽ ấn định một thời điểm đánh thuế mới nếu Mỹ không đạt được thỏa thuận nào với EU và Nhật Bản.

Hồi tháng trước, EU đã nhất trí khởi động các cuộc đàm phán chính thức với Mỹ, nhất là về vấn đề giảm thuế đối với các hàng hóa công nghiệp. Nhưng nếu Washington áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại mới, các cuộc đàm phán này sẽ bị đình lại và Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đánh thuế đối với 20 tỷ euro (khoảng 22,46 tỷ USD) hàng hóa của Mỹ.

[Harley-Davidson làm quan hệ Mỹ-EU thêm căng thẳng]

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) lâu này vẫn cho rằng bảo hộ thương mại là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), khi niềm tin sụt giảm sẽ lấn át lực đẩy từ xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Mỹ.

Châu Âu cũng đang tham gia đàm phán với Mỹ và Nhật Bản để tái lập những quy định thương mại toàn cầu nhằm hạn chế trợ cấp và tình trạng ép buộc chuyển giao công nghệ, với mục tiêu rõ ràng là hướng đến Trung Quốc.

Thuế ôtô sẽ không khiến Tokyo vội đứng về phía Bắc Kinh, nhưng sẽ làm suy yếu những nỗ lực nói trên.Vì thế, ông Guntram Wolff, Giám đốc tổ chức Bruegel, cho rằng Tổng thống Trump sẽ không tự làm khó mình bằng việc gây khó dễ cho châu Âu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.