Saudi Arabia cam kết đảm bảo nguồn cung dầu ra thị trường

Sau khi Mỹ chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với khách hàng mua dầu thô của Iran, Saudi Arabia thông báo sẽ hợp tác với các nước sản xuất dầu mỏ khác để đảm bảo đủ nguồn cung.
Saudi Arabia cam kết đảm bảo nguồn cung dầu ra thị trường ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu tại Dammam, cách thủ đô Riyadh của Saudi Arabia 450km về phía Đông. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định chấm dứt quy chế miễn trừ trừng phạt đối với toàn bộ tám nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran, ngày 22/4, Saudi Arabia thông báo sẽ hợp tác với các nước sản xuất dầu mỏ khác để đảm bảo đủ nguồn cung.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid al Falih cho biết nước này sẽ phối hợp với các nước sản xuất dầu mỏ khác để đảm bảo đủ nguồn cung đồng thời không làm mất cân bằng trên thị trường dầu mỏ. Ông cho biết Saudi Arabia đang giám sát chặt chẽ những diễn biến thị trường dầu mỏ sau tuyên bố của Chính phủ Mỹ.

[Mỹ sắp chấm dứt quy chế miễn trừ cho khách hàng nhập dầu thô từ Iran]

Sau quyết định trên của Washington, dầu mỏ trên thị trường thế giới tăng giá. Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) kỳ hạn của Mỹ tiến 2,2% lên 65,39 USD/thùng trong phiên giao dịch điện tử trước khi thị trường chính thức mở cửa. Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng Sáu trên thị trường London đã tăng 2,5% lên 73,78 USD/thùng.

Trước đó, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định chấm dứt toàn bộ quy chế miễn trừ trừng phạt đối với tất cả tám nước và vùng lãnh thổ được phép mua dầu thô của Iran mà không đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ.

Hồi tháng 11/2018, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và sáu cường quốc thế giới.

Tuy nhiên, Washington đã cấp quy chế miễn trừ cho tám nước và vùng lãnh thổ được phép tiếp tục mua dầu thô của Iran trong sáu tháng tiếp theo với số lượng hạn chế.

Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.