Saudi Arabia giảm sản lượng dầu mỏ xuống mức đặc biệt thấp

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khaled al-Falih cho biết nước này đã giảm sản lượng dầu mỏ xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm qua và đang đi đầu trong các nỗ lực giảm thừa nguồn cung của OPEC.
Saudi Arabia giảm sản lượng dầu mỏ xuống mức đặc biệt thấp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: yalibnan.com)

Ngày 12/1, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khaled al-Falih cho biết nước này đã giảm sản lượng dầu mỏ xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm qua và đang đi đầu trong các nỗ lực của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) nhằm giảm tình trạng dư thừa nguồn cung, giúp giá “vàng đen” đang lên cao.

Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng toàn cầu ở Abu Dhabi, Bộ trưởng Falih thông báo sản lượng dầu mỏ của Saudi Arabia giảm xuống dưới 10 triệu thùng/ngày. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2015 khi Riyadh bắt đầu tăng mạnh sản lượng dầu mỏ để cạnh tranh với các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ, góp phần đáng kể vào nguyên nhân khiến giá dầu tụt dốc.

Ông Falih cho biết hiện nước này có kế hoạch giảm sản lượng dầu mỏ nhiều hơn nữa vào tháng 2 tới. Bộ trưởng Falih cũng dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng thêm hơn 1 triệu thùng/ngày trong năm nay và giá dầu theo đó sẽ tăng.

Trả lời báo giới cũng tại sự kiện trên, Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Jabar Ali al-Luaibi cho biết nước này đặt mục tiêu giá dầu khoảng 65 USD/thùng. Tính đến 12 giờ 30 GMT (tức 19 giờ 30 giờ Việt nam), giá dầu thô Brent tăng thêm 77 cent lên mức 55,87 USD/thùng. Theo ông Luaibi, Iraq đã giảm sản lượng xuất khẩu dầu mỏ 170.000 thùng/ngày và trong tuần này dự kiến tiếp tục giảm thêm 40.000 thùng/ngày.

Về phần mình, Bộ Trưởng Dầu mỏ Kuwait Essam Al-Marzouq cho biết nước này cũng vừa giảm sản lượng xuất khẩu dầu mỏ sang Bắc Mỹ và châu Âu hơn 133.000 thùng/ngày, trong khi giữ nguyên sản lượng xuất khẩu sang châu Á.

Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo nói rằng OPEC kỳ vọng đến quý Hai/2017, sản lượng dầu mỏ sẽ giảm trên toàn thế giới theo đúng tinh thần của thỏa thuận.

Tháng 12/2016, các nước trong và ngoài OPEC đã đạt được thỏa thuận đầu tiên kể từ năm 2001, theo đó nhất trí giảm sản lượng khai thác dầu mỏ tổng cộng gần 1,8 triệu thùng/ngày nhằm giảm nguồn cung và đẩy giá dầu lên cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.